Một triệu doanh nghiệp năm 2020 - có khả thi? - Bài 5: Số doanh nghiệp của Việt Nam đứng cuối Đông Nam Á

Lê Anh Đức (thực hiện) 26/06/2020 08:30

Rất nhiều rào cản về vốn, cơ chế, thủ tục hành chính... khiến doanh nghiệp (DN) không thể phát triển lớn mạnh,  thậm chí không ít DN phá sản. Trong khi đó, các hộ kinh doanh cá thể lại không muốn trở thành DN, khiến mục tiêu một triệu DN trong năm 2020 của Chính phủ khó đạt được. Tính đến thời điểm này, nếu đếm đầu DN thì Việt Nam đứng cuối bảng khối ASEAN.

Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quang Vinh.

Liên quan đến những vấn đề trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dành cho PV Đại Đoàn Kết một cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Ông Lộc cho biết, nếu theo cách tính lâu nay thì đúng là chúng ta hiện mới chỉ có khoảng 700 – 800 nghìn DN, đứng cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á, thua cả Lào và Campuchia.

Nhìn vào nền kinh tế và thu nhập đầu người thì không thể nói chúng ta có số DN ít hơn các nước láng giềng như Lào và Campuchia được. Vì sao như vậy? Đơn giản là bởi vì DN chính là lực lượng đóng góp lớn nhất cho GDP (hơn 60%), vậy nên số lượng DN và “sức khỏe” DN chính là thước đo của nền kinh tế.

Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tiêu chí về DN của họ khác với Việt Nam. Thậm chí ở quốc gia phát triển như Mỹ thì những hộ kinh doanh cá thể cũng được coi là DN, còn là DN siêu nhỏ, nhỏ, vừa hay lớn phụ thuộc vào tiềm lực vốn của họ. Song, ở Việt Nam thì không coi các hộ kinh doanh cá thể là DN, dù trên thực tế nhiều hộ kinh doanh cá thể có số vốn khủng hơn cả một DN vừa. Với việc không coi các hộ kinh doanh cá thể là DN, cộng với ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 vừa qua, tôi cho rằng mục tiêu một triệu DN trong năm 2020 là khó có thể hoàn thành.

PV:Như ông nói, pháp luật Việt Nam không coi các hộ kinh doanh cá thể là DN, vậy làm cách nào để có thể “đếm” cả số này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Nếu chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có cách nào để “đếm” các hộ kinh doanh cá thể thành các DN được, trừ khi thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Mà cách này xem ra chưa thể thực hiện được ngay trong thời gian ngắn một sớm một chiều. Cũng có ý kiến cho rằng, bằng cách tuyên truyền, thuyết phục, tạo cơ chế... động viên, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể “vươn lên” trở thành DN. Song, theo khảo sát thì hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều không muốn “nâng cấp” thành DN, dù quy mô sản xuất kinh doanh của họ đôi khi chẳng thua kém gì DN nhỏ và vừa.

Vì sao các hộ kinh doanh cá thể lại không muốn trở thành DN để có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi và nhiều cơ chế thuận lợi khác của Chính phủ, thưa ông?

- Về lý thuyết thì đúng là DN được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Song, thực tế thì các DN cũng phải chịu khá nhiều áp lực từ chính cơ chế chính sách, chưa kể đến các cơ quan quản lý nhà nước, một số cán bộ, công chức có thái độ hành xử chưa được chuẩn mực, còn nhũng nhiễu, vòi vĩnh... Khảo sát ở nhiều DN cho thấy, chưa thấy được hưởng lợi gì từ những cơ chế chính sách ưu đãi, nhưng họ phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, thái độ hách dịch cửa quyền của không ít người thực thi công vụ. Đó là còn chưa kể các bộ, ngành, địa phương liên tục “đẻ” thêm ra các loại “giấy phép con” khiến DN gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, các hộ kinh doanh cá thể lại không phải chịu những ràng buộc khắt khe như DN. Hiện, chính sách pháp luật của chúng ta có thể nói là quá chặt với DN, nhưng lại quá dễ với các hộ kinh doanh cá thể. Việc quản lý các hộ kinh doanh cá thể hiện nay rất lỏng lẻo nếu không muốn nói là thả nổi. Không phải chịu sự điều chỉnh của Luật DN, không buộc phải có bộ máy vận hành từ giám đốc đến kế toán trưởng, không phải báo cáo tài chính, quyết toán... mà thích gì làm đấy nên hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều không muốn trở thành DN. Tại sao người ta lại từ bỏ cái dễ để lựa chọn cái khó, trong khi họ nhìn thấy thực tế các DN không dễ dàng hưởng các ưu đãi.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện DN không thể phát triển lớn mạnh mà cứ ngày một “còi” đi bởi có quá nhiều “tròng”, như: Thủ tục hành chính rườm rà, nhiều loại “giấy phép con”, sự nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ, công chức, ông nghĩ sao về điều này?

- Trước hết phải khẳng định rằng ý kiến trên có phần đúng nhưng hơi cực đoan. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để nâng đỡ, tạo điều kiện cho DN phát triển. Nghiêm cấm việc bỏ được một thủ tục hành chính này lại “đẻ” ra một hoặc nhiều “giấy phép con” khác thay thế, hành DN.

Bộ, ngành, địa phương nào không cắt giảm được, cắt giảm ít hoặc đồng thời với cắt giảm là sinh ra quy định khác gây khó cho DN thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Song, thực tế thì cũng chưa có nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Do vậy, hiện các thủ tục hành chính chưa cắt giảm được nhiều, vẫn còn khá nhiều loại “giấy phép con” tồn tại gây khó cho DN.

Ngay như câu chuyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh. Song, có phải DN nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mà các ngân hàng TMCP đã cam kết hỗ trợ đâu. Hầu hết các DN vừa và nhỏ đều có nhu cầu vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song những DN này lại thiếu nhiều điều kiện để có thể vay được vốn của các ngân hàng.

Theo khảo sát của VCCI về các chỉ số hài lòng của DN đối với cơ quan công quyền cho thấy có tới hơn 50% DN vẫn phải chi phí không chính thức. Nhiều DN cảm thấy không hài lòng khi giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng... Nhiều DN phản ánh rằng họ phát ốm với việc phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ với tần suất dày đặc mà còn chồng chéo về nội dung khiến DN đau đầu lo cách đối phó, không còn tâm trí đâu để tập trung sản xuất kinh doanh.

Vậy đâu là giải pháp tháo gỡ thực trạng trên, thưa ông?

- Hiện, hành lang pháp lý đã khá đầy đủ, vấn đề chỉ còn ở chỗ cá nhân, tổ chức thực hiện nó như thế nào mà thôi. Ví dụ như quy định về thanh tra, kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có sự giám sát chéo, giám sát trên dưới... thì chắc chắn DN sẽ không bị hành nữa. Hay như việc không cắt giảm, cắt giảm ít, hoặc cắt giảm được thủ tục này lại “đẻ” ra thủ tục khác để làm khó DN của bộ nào, ngành nào, địa phương nào cần phải được nêu tên công khai, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Như vậy thử hỏi làm sao có thể còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, khiến DN phải điêu đứng, khổ sở nữa?

Nhìn chung trong bất cứ vấn đề gì nếu có sự giám sát chặt chẽ, thưởng phạt phân minh, rõ ràng, sẽ hạn chế được tối đa tiêu cực, thậm chí còn có thể dẹp bỏ được một số vấn nạn nhức nhối. Bên cạnh việc công khai minh bạch mọi chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của DN, cần đẩy nhanh việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ, công chức với DN sẽ hạn chế được sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh phí lót tay, bôi trơn.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong xã hội theo tinh thần của Hiến pháp 2013, tránh việc ưu ái DN nhà nước, hay thậm chí là các DN sân trước sân sau trong việc đấu thầu các dự án. Nếu phát hiện hành vi vi phạm cần xử lý nghiêm khắc, nếu cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Được vậy thì tôi tin rằng, số lượng DN sẽ không ngừng tăng lên và không chỉ dừng ở một triệu DN, chất lượng DN cũng sẽ ngày càng khởi sắc, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Anh Đức (thực hiện)