Đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục phổ thông
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục thể chất, văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học và những phẩm chất của công dân toàn cầu.
Sáng 25/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Tiểu ban Giáo dục phổ thông (GDPT), Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chủ trì phiên họp với chủ đề “Định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDPT trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nhiều vấn đề của GDPT đã được đề cập và tìm biện pháp tháo gỡ.
Theo báo cáo của Tiểu ban GDPT sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, giáo dục Việt Nam (GDVN) đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học. Tính đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học là 99%, THCS là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.
Về định hướng phát triển GDPT 2021-2030, báo cáo đề cập tới mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục thể chất, văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học và những phẩm chất của công dân toàn cầu.
Trong đó, đối với giáo dục Tiểu học, mục tiêu đặt ra là hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; hình thành ở học sinh hiểu biết về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học; tăng tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học; tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo 97% trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học vào năm 2025, 99% vào năm 2030; đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 90% vào năm 2025, 91% vào năm 2030.
Đối với giáo dục THCS, mục tiêu là phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Đối với giáo dục THPT, phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện hoàn cảnh của bản thân; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ GDĐT đang thực hiện theo Quyết định 711 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ‘’Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”. Trong chiến lược này có 5 định hướng: Chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GDĐT đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Để có chiến lược phát triển giáo dục cả nước thì từng tiểu ban giáo dục mầm non (GDMN), GDPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục ĐH đang xây dựng định hướng, mục tiêu, giải pháp cho GDPT trong chiến lược phát triển GDVN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Trước đó, tại phiên họp về “Định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDMN trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Chiến lược phát triển GDVN giai đoạn 2021-2030 có mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1; định hướng đến năm 2030 phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo, còn lộ trình thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt 7 chỉ số phát triển GDMN. Trong đó, chỉ số tỉ lệ huy động trẻ em mầm non đến trường (thuộc nhóm chỉ tiêu/chỉ số về tiếp cận giáo dục) thể hiện sự công bằng trong giáo dục. Việc vận động học sinh đến lớp chính là vấn đề phổ cập, nhưng để học sinh được học có chất lượng thì phải quan tâm chú trọng hơn nữa.