Cử tri TP HCM đề nghị giải quyết dứt điểm ‘vụ việc Thủ Thiêm’
“Đã đến lúc thành phố phải đáp ứng mong mỏi bức thiết của người dân là phải giải quyết dứt điểm, chậm nhất là vào cuối năm 2020 hoặc trước đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
Ngày 26/6, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Đơn vị số 1, gồm ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM; ông Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy Quận 9, đã có buổi tiếp cử tri Quận 1, Quận 3, Quận 4 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Vấn đề Thủ Thiêm “không thể chậm nữa”
Tại Hội nghị tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu (Q.3) cho rằng, vấn đề Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kiểm tra vụ việc từ tháng 7/2018, trong đó yêu cầu nếu có dấu hiệu hình sự thì đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý theo quy định. Dù vậy, cử tri Châu cho hay, đã hai năm trôi qua việc xử lý cá nhân liên quan đến siêu dự án này vẫn chưa được thực hiện.
“Đã đến lúc thành phố phải đáp ứng mong mỏi bức thiết của người dân là phải giải quyết dứt điểm, chậm nhất là vào cuối năm 2020 hoặc trước đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nếu không, chúng ta tiếp tục có lỗi lớn với những mảnh đời bất hạnh ở Thủ Thiêm”, cử tri Nguyễn Hữu Châu bày tỏ.
Cử tri Nguyễn Văn Phú (P.Đa Kao, Q.1) cho biết, thực tế người dân Thủ Thiêm chỉ muốn làm rõ vấn đề tại khu tái định cư 160 ha, mà thực tế hiện nay UBND TP HCM đã giao cho các nhà đầu tư biến thành đất để kinh doanh thương mại.
Ông Phú cũng nói về việc các sai phạm cá nhân ở Thủ Thiêm đã được thừa nhận, xử lý bước đầu, nhưng có ĐBQH khi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm, vẫn chỉ ghi nhận đó là “các khiếm khuyết dẫn đến khó khăn kéo dài”.
“Chúng tôi cho rằng vụ việc Thủ Thiêm kéo dài 20 năm chưa giải quyết xong, nguyên nhân là do sai phạm của một số cá nhân cán bộ, lãnh đạo một số nhiệm kỳ trước khiến bà con Thủ Thiêm bức xúc khiếu kiện hàng chục năm qua”, cử tri Phú bày tỏ.
Về các ý kiến của cử tri xung quanh giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đã đại diện Tổ ĐBQH - Đơn vị số 1 nhìn nhận: “Phải nói đầu tiên về trách nhiệm như một lời nhận khuyết điểm và xin lỗi vì quá trình xử lý Thủ Thiêm làm rất chậm”.
Ông Quang lý giải nguyên nhân chậm trễ tại dự án này là do tồn tại nhiều vấn đề kéo dài hơn 20 năm, qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, trong đó có rất nhiều việc khó và một số hồ sơ nhiều khi không còn. Pháp luật cũng thay đổi nhiều, thậm chí có những việc xét theo trước kia là làm đúng nhưng bây giờ lại sai. Đó là chưa kể khối lượng công việc liên quan đến Thủ Thiêm thời gian qua phải xử lý rất nhiều do liên quan đến nhiều bộ ngành trung ương và địa phương, với trách nhiệm phải có sự phối hợp chung.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang, riêng những công việc thuộc trách nhiệm của TP HCM hiện đã cơ bản giải quyết xong; các vấn đề còn lại thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và Chính phủ.
Ông Trần Lưu Quang chia sẻ, tinh thần chung không phải là biện minh cho sự chậm chễ nêu trên. Kể cả về trách nhiệm cá nhân thì tinh thần chung là có sai phải có xử lý, đúng người, đúng khuyết điểm và nhìn nhận rõ để khắc phục.
Ông Quang mong muốn cử tri thành phố nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh tích cực, không nên có góc nhìn phiến diện về Thủ Thiêm, trong đó nhìn nhận cả những thành tựu và nỗ lực mà thành phố đã thực hiện ở Thủ Thiêm. Nếu chỉ nhìn điểm tệ hại, điểm xấu là không công bằng.
Yêu cầu công bố thanh tra giá điện
Tại Hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Phú (P.Đa Kao, Q.1) cũng yêu cầu sớm công bố thanh tra giá điện. Bởi vì từ tháng 5/2019 Thủ tướng yêu cầu Thanh tra EVN, yêu cầu trong 45 ngày phải công bố. Đến 9/2019 Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian thanh tra đến quý III-2019. Nhưng đến nay, đã qua quý II-2020, cơ quan chức năng vẫn chưa có công bố kết quả thanh tra.
“Hiện nay, đại bộ phận người dân phản đối việc áp dụng tính giá điện theo 6 bậc. Đề nghị không chỉ sớm công bố kết quả thanh tra mà ngành điện cũng phải tính đủ, tính đúng giá định nhập vào và bán ra, không được đưa các khoản đầu tư khác vào hạch toán giá thành điện”, cử tri Phú nêu ý kiến.
Cùng kiến nghị về giá điện, cử tri Trần Quốc Hùng (Q.3) nêu bức xúc về bảng giá ngành điện chưa giảm, đã tăng so với giá cũ 8% (căn cứ gheo giá điện bình quân một hộ) nhưng giá bình quân thực tăng 11-12% rồi. Đối với điện năng lượng mặt trời thì ngành điện mua của dân trả lại cho dân thì dân lại phải chịu cả phí chuyển khoản và thuế GTGT. Dân thấy là vẫn phí chồng phí, nên chăng nên hoán đổi và miễn thuế cho người dân khi ngành điện mua điện của dân.
Theo cử tri Nguyễn Xuân Cường (P.9, Q.3), kiến nghị về công tác chống ngập của TP HCM nên xử lý từ gốc. Cử tri lấy dẫn chứng đường Nguyễn Hữu Cảnh đang ngập nặng, dù đã tôn cao nền và thuê máy bơm xả bớt nhưng nhiều hẻm dân cư vẫn ứ đọng kéo dài.
“Theo dự báo biến đổi khí hậu thì thành phố sẽ còn ngập nặng hơn nữa, làm sao đừng để ngập bền vững. Không nên cấp phép xây dựng cho những khu vực vùng trũng có cốt nền dễ sụt lún”, cử tri Cường đề nghị.
Về các vấn đề trên, Đại diện Tổ ĐBQH - Đơn vị số 1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang cho rằng, có ý kiến thu nhập người dân Việt Nam chưa cao nên việc tính giá điện bằng nước ngoài là chưa hợp lý. Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Trần Lưu Quang thì: “Nói đi phải nói lại, nếu giá điện thu giống hàng xóm thì bà con chịu không nổi nhưng thu vậy hoài thì về lý lẽ, Nhà nước đang bù lỗ cho ngành điện. Vậy nên về lâu dài phải tiệm cận với giá thế giới. Đây là câu chuyện hai mặt nên bà con chia sẻ”.
Ông Trần Lưu Quang cũng ủng hộ ngành điện mua lại điện năng lượng mặt trời của người dân, nhưng đề nghị xem xét, tính toán lại cách tính giá, chi phí chuyển khoản, thuế GTGT như cử tri đã phản ánh để giải quyết thỏa đáng.