Cuộc chiến với Covid-19: Mở cửa hay chưa mở cửa?

Đinh Hoàng Tú 28/06/2020 08:09

Những ngày nay, châu Âu và Mỹ đang rơi vào tình thế lưỡng lự “mở cửa hay không mở cửa” trước đại dịch Covid-19. Nếu không mở cửa thì nền kinh tế sẽ tụt dốc thảm hại, áp lực trong nước tăng lên từ các tập đoàn kinh tế cũng như người dân. Nhưng nếu lới lỏng thì nguy ơ làn sóng thứ hai của đại dịch là khó tránh khỏi.

Châu Âu vẫn còn e dè trước khi mở cửa.

Theo tờ Politico, cách đây 3 tháng, giới chức y tế sợ Mỹ sẽ bị đại dịch nhấn chìm như Italy. Giờ đây, nếu được ví với Italy, Mỹ hẳn sẽ cảm thấy may mắn khi mà số ca mắc SARS-CoV-2 ở Italy đang giảm, trong khi ở Mỹ tình hình vẫn rất căng thẳng.

Thực tế cho thấy, Italy đã mở cửa nhà hàng và cửa hiệu cách đây hơn một tháng và đã áp dụng các biện pháp an toàn mới trên toàn quốc. Còn ở Mỹ, việc mở cửa trở lại hay không, lại không thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trong lúc số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng vẫn tăng. Thậm chí, có dấu hiệu các ca mới còn tăng nữa khi các bệnh viện ghi nhận bệnh nhân nhập viện cao kỷ lục ở Arizona, Florida và Texas.

Bà Ashish Jha- Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Harvard, lưu ý rằng sẽ có những bang ở Mỹ mà dịch nghiêm trọng tương đương Italy thời đỉnh dịch. Vẫn theo vị chuyên gia này, cách tiếp cận không thống nhất và chính trị hóa trong chống dịch bệnh đã khiến nước Mỹ thua xa Tây Âu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Hiện tổng số ca mắc mới trong 27 nước EU chỉ bằng 1/8 số ca mắc mỗi ngày ở Mỹ. “Chính phủ liên bang để từng bang tự quyết định thời gian mở cửa trở lại. Một số bang đã chấm dứt phong tỏa càng sớm càng tốt khi mà số ca lây nhiễm còn cao”- bà Jha nói và không quên nhắc lại vụ Tổng thống Donald Trump và một số thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa đã tức giận với lời khuyên của các chuyên gia y tế, hoài nghi các dự báo về virus lây lan và bỏ qua các khuyến cáo về phong tỏa.

“Tổng thống Trump đã không đeo khẩu trang nơi công cộng và thỉnh thoảng còn chế giễu người khác vì đeo khẩu trang. Trong khi đó, Thủ tướng Giuseppe Conte thường đeo khẩu trang nơi công cộng và khi bỏ khẩu trang để phát biểu trong Quốc hội, ông đã bị các Nghị sĩ phản đối”- bà Jha đưa ra so sánh.

Nước Mỹ lúng túng

Nói như Giáo sư Raffaella Sadun- Cố vấn cho Thủ tướng Italy về dịch bệnh, điểm khác nhau chủ yếu giữa Mỹ và Italy là người Italy nghiêm túc cách ly, phối hợp với mệnh lệnh Trung ương và tuân thủ hướng dẫn. Còn ở Mỹ, cấp dưới của Tổng thống Trump gặp khó khăn khi thuyết phục ông thực hiện biện pháp cần thiết chống dịch suốt tháng 2 và 3. Khi nhận thấy mức độ nghiêm trọng, chính quyền liên bang lại “buông” để các bang tự quyết định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khó xử với Covid-19.

Phối hợp và quyết định kịp thời đã mang lại lợi ích cho các nước Tây Âu trong chống dịch. “Nếu nước Mỹ áp đặp phong tỏa sớm ngay từ đầu thì số ca mắc đã giảm xuống rất nhiều. Chỉ cần chậm phong tỏa một tuần thì số ca mắc đã tăng 50%”- Giáo sư Sadun nhận xét.

Hiện tại, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Mỹ vẫn đang là điểm nóng nhất trên bản đồ Covid-19 toàn cầu. Ngoài nước Mỹ, Brazil đã vượt qua Anh về số ca tử vong do Covid-19, đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong, tiếp tục là điểm nóng thứ hai sau Mỹ về Covid-19.

Tại một cuộc họp báo mới đây, chuyên gia hàng đầu của WHO Mike Ryan nhận định tình hình ở Brazil ngày càng trở nên đáng quan ngại, nhất là tại các thành phố. Hơn 90% số giường đều có bệnh nhân, trong khi đó nhiều thành phố lớn, tâm dịch của nước này, đã dần mở cửa trở lại càng làm dấy lên lo ngại số ca mắc thực tế gia tăng đột biến.

Trong khi đó, “vì một lý do nào đó” mà Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông Larry Kudlow đã bác bỏ sự xuất hiện của đợt bùng phát dịch thứ hai. Điều đó một lần nữa cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đang rất lúng túng.

EU chuẩn bị “bước liều”

Vào thời điểm tuần đầu tháng 6, trong một phiên nhóm họp, Bộ trưởng Nội vụ của 27 nước thành viên EU đã nhất trí phối hợp triển khai kế hoạch từng bước mở cửa cho những người ngoài khu vực tự do đi lại Schengen, Anh và EU.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu mở cửa biên giới đối với những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ ngoài khối từ ngày 1/7 tới. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19 tùy thuộc vào mỗi nước, song ông Borrell cho biết Brussels đề nghị dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo từng bước.

Trên thực tế, các nước thành viên EU đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế tạm thời đối với việc qua lại biên giới trong khối, với mục tiêu khôi phục hoạt động tự do đi lại từ ngày 15/6. Trong đó, Áo là quốc gia “tiên phong” mở cửa biên giới với Italy và cho phép việc tự do đi lại đối với những người đến từ hầu hết các nước châu Âu khác (khoảng 31 quốc gia). Được coi là “ngoại lệ” với người đến từ Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh- khi họ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, nước Đức lại phải vội vã tái phong tỏa vì “siêu ổ dịch” mới. Kể từ ngày 23/6, lần đầu tiên Đức đã phải đặt toàn bộ một khu vực của nước này dưới lệnh phong tỏa, kể từ sau khi các hạn chế được nới lỏng hồi đầu tháng 5 vừa qua, do một ổ dịch bùng phát tại nhà máy chế biến thịt địa phương. Theo The Guardian, khoảng 360.000 công dân ở quận Gutersloh, bang North Rhine-Westphalia phía tây nước Đức bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, khi mà hơn 1.500 nhân viên nhà máy chế biến thịt của công ty Tönnies đặt tại đây được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

“Lần đầu tiên tại Đức, chúng tôi đưa toàn bộ một quận trở lại áp dụng các biện pháp phong tỏa từng được thực hiện vài tuần trước”- ông Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia nói. Theo ông Laschet, việc phong tỏa này có thể được nới lỏng sau ngày 30/6, nếu như tình trạng lây nhiễm được kiểm soát. Việc phong tỏa bao gồm đóng cửa toàn bộ quán bar, bảo tàng, phòng tập gym, bể bơi. Các hoạt động ngoài trời cũng bị cấm.

Điều đáng lo ngại là North-Rhine Westphalia là bang đông dân nhất của Đức, với gần 18 triệu dân.
Chính vì vụ việc ở Đức mà giới quan sát cho rằng việc EU nôn nóng mở cửa là “một bước liều”.

Châu Âu “dò đá sang sông”

Tạp chí Forbes mới đây đưa ra nhận định, theo cách riêng của mình, châu Á đang” dò đá qua sông” khi họ đưa ra các phép thử có giới hạn về việc mở cửa hay chưa mở cửa biên giới, khi mà đại dịch Covid-19 vẫn còn là mối đe dọa.

Vẫn theo Forbes, sau nhiều tháng vui mừng với chiến thắng trước Covid-19 và truyền đạt kinh nghiệm cho các quốc gia khác, Trung Quốc lại đang lo ngại bị tấn công bởi ổ dịch mới: Thủ đô Bắc Kinh. Chỉ trong vòng 1 tuần, Bắc Kinh đã ghi nhận gần 200 ca nhiễm mới (xét nghiệm khoảng 700.000 người), liên quan đến chợ hải sản Tân Phát Địa. Khu chợ này và 2 khu chợ khác đã đóng cửa, ít nhất 33 khu phố bị phong tỏa với các mức độ khác nhau. Trường học và tụ điểm thể thao giải trí đều đóng cửa.

Như vậy là chỉ 10 ngày sau khi hạ mức phản ứng khẩn cấp với Covid-19, Bắc Kinh phải nâng trở lại. Những con đường đông đúc sau khi dỡ cách ly lại vắng lặng một lần nữa.

Còn tại Hàn Quốc, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của nước này (KCDC), hiện rất có thể làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ trở lại khi mà với 46 ca nhiễm mới được phát hiện thì có tới 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Kể từ ngày 23/6, Hàn Quốc bắt đầu tạm đình chỉ việc cấp thị thực và các chuyến bay không theo lịch trình từ Pakistan và Bangladesh. Theo KCDC, khu vực đô thị (Seoul và vùng phụ cận) đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống SARS-CoV-2 kéo dài. Làn sóng bùng phát lây nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hàn Quốc đã diễn ra trong tháng 2 và 3; còn việc nới lỏng giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 6/5.

WHO đã công bố 6 điểm dành cho các quốc gia xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, gồm: (1) tình trạng lây nhiễm phải được kiểm soát, (2) các hệ thống y tế phải có năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị mọi ca nhiễm cũng như theo dõi mọi tiếp xúc, (3) các nguy cơ bùng phát phải được giảm thiểu, đặc biệt tại các bệnh viện và viện dưỡng lão, (4) trường học và công sở phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, (5) quản lý các nguy cơ “nhập” ca nhiễm, (6) giáo dục cộng đồng điều chỉnh phù hợp với “chuẩn mực mới” của cuộc sống thường ngày.

Đinh Hoàng Tú