Vấn nạn 'bôi trơn'...

Lê Anh Đức 28/06/2020 08:00

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 bị can từng là lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên của cơ quan thanh tra thuộc Bộ Xây dựng.

Từ sự việc này, nhớ lại lời của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: Khảo sát cho thấy, còn tới hơn 50% số doanh nghiệp được hỏi khẳng định, vẫn phải chi những khoản tiền không chính thức để “lót tay”, “bôi trơn” mỗi khi bị các “công bộc” của dân, nhất là các “quan thanh tra” hạch hỏi, nhũng nhiễu.

Dư luận cho rằng, vụ việc các cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng bị lực lượng công an bắt quả tang khi đang nhận hối lộ chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi. Lâu nay, các doanh nghiệp khi bị thanh tra, kiểm tra đều có tâm lý: Nếu vạch vòi ra thì kiểu gì chẳng sai, tốt nhất là lót tay phong bì cho xong. Điều đó lẽ ra là bất bình thường, nhưng riết rồi cũng thành thói quen, thành “văn hóa phong bì” nên lại trở thành bình thường. Vì thế mà khi 4 vị thanh tra của Bộ Xây dựng bị công an bắt vì nhận phong bì, mọi người thấy lạ lắm.

Lạ là phải, bởi hầu hết các doanh nghiệp đều sợ bị cán bộ thanh tra, kiểm tra “củ hành”, moi móc chỗ nọ chỗ kia nên dù phải chi tiền ngoài mong muốn vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Ít đơn vị nào dám “to gan, lớn mật” báo công an để “úp” các “quan thanh tra”. Ấy vậy mà lại vẫn có doanh nghiệp dám báo công an để bắt quả tang 4 cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng nhận tiền hối lộ thì bảo sao không ngạc nhiên cho được. Không chỉ có dư luận ngạc nhiên, mà cả 4 cán bộ thanh tra cũng ngỡ ngàng khi bị bắt.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong số ngàn lẻ một lý do doanh nghiệp không thể lớn được có nguyên nhân bị cán bộ các đoàn thanh tra, kiểm tra sách nhiễu, vòi vĩnh buộc phải chi phí bôi trơn nếu không muốn bị khui ra những sai phạm. Mà nói về sai phạm thì hầu như doanh nghiệp nào chẳng có, không phải lỗi này cũng là lỗi khác làm sao mà tránh được. Khi có sai phạm mà muốn được ém nhẹm thì có cách nào tốt hơn là “bịt mồm” thanh tra?

Đáng buồn, trên thực tế lại có không ít cán bộ thanh tra, kiểm tra khi thực thi công vụ đã bị các doanh nghiệp “bịt mồm” bằng những chiếc phong bì dày cộp. Ai cũng có nhu cầu vươn tới một cuộc sống tốt hơn, sung túc hơn, nhưng không phải là lối suy nghĩ bất chấp thủ đoạn chỉ để “vinh thân, phì gia”. Với tư duy đó của không ít cán bộ thanh tra, kiểm tra nên rất nhiều sai phạm, thậm chí là vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp đã được bỏ qua, để rồi sau này đổ vỡ gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách nhà nước.

Nếu mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra khi thực thi công vụ đều tâm sáng, lòng trong, thì làm sao có những dự án, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước... bị phá sản mà không ai biết, thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng mà chẳng ai hay? Cá nhân một số thanh tra có thể được “cảm ơn” hàng chục nghìn, trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD để hưởng lạc cuộc sống xa hoa, trong khi hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân thì trôi theo dòng nước, hoặc chui vào túi một số quan tham. Thanh tra bị “bịt mồm” chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn nạn tham nhũng hoành hành.

Lê Anh Đức