Số phận trường chuyên
Năm nào cũng vậy, cuộc đua vào đầu cấp tại Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam (gọi tắt là trường Ams) luôn nóng, với sự cạnh tranh gay gắt. Trong mùa tuyển sinh vào lớp 6 năm 2020, các đối tượng học sinh muốn đăng ký dự thi vào lớp 6 trường Ams, phải trải qua vòng sơ tuyển cam go.
Theo đó, kết quả học lực trung bình môn trong 5 năm học tiểu học phải đạt hầu hết 10 điểm ở các môn thì mới đủ điều kiện dự thi.
Trước sự việc trên, TS Nguyễn Đức Thành - một cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khoá 1992-1995 đã đề xuất nên đóng cửa trường Ams hoặc bán nó cho tư nhân. Ông cũng cho rằng nên làm như vậy với mọi trường chuyên, để tránh áp lực cho học sinh.
Mô hình trường Ams đã lỗi thời?
Đưa ra lý lẽ của mình, TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ, mô hình trường Ams đang tồn tại nhiều bất cập. Đây là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. Trường sử dụng ngân sách nhà nước (từ thuế của nhiều bố mẹ khác) để đầu tư cho học sinh trong trường. Như vậy là không công bằng.
“Mô hình này sẽ tốt nếu nó là một trường tư, như trường Olympia, nơi cha mẹ giàu trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn. Mô hình Ams hiện nay, chi phí này lấy từ ngân sách nhà nước, tức là lấy từ tiền của các bố mẹ khác” - TS Thành phân tích.
Bên cạnh bất cập trên, ông cũng nêu thực tế về việc bố mẹ phải đút lót chạy bảng điểm đẹp toàn điểm 10 hoặc chạy tiền để có đủ thứ giải thưởng. Không ngoại trừ khả năng tiêu cực từ chính các thầy cô giáo trong trường.
“Mục đích của trường chuyên lớp chọn như trường Ams đã hết vai trò lịch sử của nó. Giả thuyết của tôi là trước đây trong lúc chiến tranh nghèo khổ, lại muốn chứng tỏ rằng người miền Bắc có trí tuệ (so với miền Nam và cả thế giới), nên đã phải mở các trường chuyên… Từ đây đào tạo ra một ít gà nòi để đem đi triển lãm trên thế giới thông qua các kỳ thi Toán, Lý quốc tế. Chi phí tuyển lựa và đào tạo tập trung như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều. Những người này cũng được kỳ vọng sẽ phục vụ chế độ vì đúng là họ có khả năng thật. Tuy nhiên, điều ấy chỉ đúng trong một xã hội thời chiến nghèo khổ...” -TS Thành nói.
Theo TS Thành, mô hình trường Ams đã lỗi thời. Cho nên dù là một cựu học sinh của trường, lấy vợ cũng là học sinh dưới ông 5 khóa, ông kêu gọi “xoá bỏ mô hình trường Ams thông qua việc đưa nó về thành một trường công bình thường hoặc bán đấu giá nó cho tư nhân để biến nó thành một trường tư”.
Không xóa bỏ nhưng cần đổi mới
Những chia sẻ của TS Thành đã gây ra nhiều tranh cãi trên các diễn đàn mạng. Cá nhân ông cũng thành lập ra một diễn đàn trên mạng xã hội với tên gọi “Thảo luận cải cách trường Ams và hệ thống trường chuyên lớp chọn Việt Nam”, thu hút hơn 2,2 nghìn thành viên tham gia chỉ trong vài ngày. Khi quan điểm của TS Thành nêu ra, cũng có khá nhiều ý kiến đồng ý nên xoá bỏ trường chuyên, lớp chọn để học sinh được hưởng sự công bằng và không áp lực học tập. Ngược lại cũng không ít ý kiến cho rằng, duy trì trường chuyên là sự tiến bộ và cần thiết.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới cho rằng, đề xuất bán, chuyển đổi trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cho tư nhân là hơi cực đoan.
Theo GS Thuyết, từ khi hình thành đến nay, trường Ams đã đào tạo thành công nhiều nhân tài, phục vụ cho lợi ích của quốc gia. Trên con đường hình thành và phát triển của bất cứ cơ sở giáo dục nào đều khó tránh lúc này lúc khác, cũng có thể có giai đoạn “vấp váp”. Không thể vì những vấp váp đó mà lập tức nghĩ ngay tới việc bán hoặc chuyển đổi. Trong tình huống nhà nước không thể chu cấp hay đầu tư ngân sách để duy trì, phát triển thì mới xem xét đến góc độ bán hay không.
“Nếu ai đó nói trường chuyên, lớp chọn là định hướng đào tạo dễ đẫn đến “học lệch” hay thiếu đầy đủ thì cũng có lý lẽ riêng, bởi sẽ tạo ra các đỉnh cao cần thiết để phục vụ khoa học, phụng sự lợi ích vượt khỏi mong muốn một cá nhân nào đó”- theo GS Thuyết.
Góp ý cho vấn đề này, GS Thuyết cho rằng, có thể chuyển đổi mô hình trường chuyên thành trường chất lượng cao để xem xét, phục vụ đào tạo toàn diện.
Tương tự, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mục tiêu của trường chuyên là để đào tạo “người tài” cho mỗi địa phương, cho đất nước. Việc các trường chuyên được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và giáo viên là điều dễ thấy, dễ hiểu.
Ông Lâm cho rằng, nếu có thay đổi thì chỉ nên xem xét điều chỉnh phương thức đào tạo, phương thức tuyển chọn và phương thức huy động các nguồn lực của xã hội cho việc đổi mới phương thức đào tạo của các trường chuyên. Không nên quá cực đoan cho việc đổi mới trường chuyên, lớp chọn.
Nêu quan điểm trên báo chí, anh Kim Ngọc Minh -ThS giáo dục, cựu học sinh chuyên Lý trường Ams, từng học Trường ĐH Ngoại thương, ĐH New South Wales (The University of New South Wales) phản biện lại quan điểm của TS Thành rằng: Chỉ vì những bất cập của hệ thống trường chuyên, rồi hô hào đề nghị xoá bỏ vô căn cứ, thì tôi nghĩ điều này không khách quan và thực tế.
“Tôi vẫn nhấn mạnh lại là cần cải tiến, thay vì xoá bỏ mô hình trường chuyên hiện nay. Tôi thừa nhận mô hình chuyên chọn Việt Nam còn nhiều vấn đề, nhưng là để cải tiến chứ không phải vì thấy có vấn đề mà hô hào xoá bỏ. Bây giờ, bối cảnh trong nước và quốc tế cho phép nhiều mô hình cùng chung sống, có cả trường công và trường tư chuyên chọn cùng tồn tại, chứ không phải kiểu “có” hay “không”, một “mất” một “còn”- anh Minh nêu quan điểm.
Để có căn cứ phù hợp với các quyết định tiếp theo nên cải tiến thế nào, anh Minh cho rằng nên có một nghiên cứu tại Việt Nam tương tự như “Exam Schools: Inside America’s Most Selective Public High Schools” của 2 nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ, đã in thành sách: “Bên trong các trường công lập chuyên hàng đầu nước Mỹ”, với việc tiến hành khảo sát 165 trường công chuyên tại 30 bang.