Đừng làm tan vỡ thế giới tuổi thơ
Thị trường sách thiếu nhi rộng mở song tình trạng sách ngoại lấn át sách nội đã và đang là thực tế cần điều chỉnh. Điều gì xảy ra khi số lượng nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi ngày càng “khan hiếm”? PV Đại Đoàn Kết đã trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Giám đốc -Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn.
PV: Thưa, ông đánh giá như thế nào về tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay? Có những tác phẩm nào để lại ấn tượng trong ông?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mỗi ngày tôi cảm thấy ý thức và niềm đam mê viết cho thiếu nhi giảm đi trong các nhà văn. Phải chăng vì đời sống đương đại có quá nhiều vấn đề làm cho các nhà văn bị cuốn vào đó. Nhưng cho dù với lý do gì thì đó vẫn là một điều bất ổn. Số lượng nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay chứ chưa đến bàn tay thứ hai. Có lẽ vì thế mà chưa thấy một tác phẩm viết cho thiếu nhi nào hầu hết các bậc cha mẹ phải biết đến.
Theo ông, đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa các tác phẩm viết cho thiếu nhi ở thời điểm hiện nay so với những “tác phẩm vàng” cho thiếu nhi do các nhà văn đi trước đã viết?
- Điểm khác biệt lớn nhất là: Các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi hiện nay “trẻ con” hơn. Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi trước kia bị “áp đặt” tính giáo dục công dân quá cao trong khi theo tôi là phải dựng lên một thế giới tự nhiên nhưng trong sáng và ngập tràn trí tưởng tượng. Thế nhưng những tác phẩm viết cho thiếu nhi trước kia còn lại đến bây giờ lại mạnh hơn các tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay là vẻ đẹp của ngôn từ. Nghĩa là văn chương ở đó đẹp và đầy xúc động. Điều này vô cùng quan trọng khi viết cho trẻ con.
Vậy khi viết cho thiếu nhi, ông thường quan tâm và hướng tới những giá trị gì?
- Với cá nhân tôi, việc sáng tác các tác phẩm văn học thiếu nhi gắn liền với các con và các cháu tôi. Chỉ đơn giản là tôi muốn kể cho chúng nghe những câu chuyện nào đó mà tôi cảm nhận được quanh đời sống của tôi từ nhỏ đến giờ. Và khi viết bất cứ điều gì cho các con, các cháu mình thì đó là lúc người ta viết trong một tâm thế đặc biệt nhất, cảm xúc nhất và hệ trọng nhất. Bởi biết đâu những trang viết đó sẽ thay đổi một điều gì rất hệ trọng trong tâm hồn những đứa trẻ.
Tác phẩm đầu tiên tôi viết cho thiếu nhi là truyện vừa “Bí mật hồ cá thần”. Hồi nhỏ, buổi tối tôi thường nằm bên hai đứa con tôi và nghĩ ra những câu chuyện để kể cho chúng. Một ngày con gái tôi nói: “Bố có thể viết một cuốn truyện cho con không?”. Tôi đã hứa với con gái tôi và đã thực hiện lời hứa đó. Câu chuyện về một con cá sống trong một đầm nước ở quê tôi. Người lớn thì săn lùng con cá để hưởng thụ khoái cảm ăn uống. Nhưng những đứa trẻ đã tìm cách cứu con cá đó như cứu một người bạn.
Mục đích của tôi trong tất cả những cuốn sách đã viết cho con cháu mình hay thế hệ của các con, các cháu tôi là dựng lên một thế giới đẹp, tinh khiết và nhân văn. Và từ thế giới ấy những vẻ đẹp tâm hồn từng bước được hình thành.
Tác phẩm viết cho thiếu nhi mới nhất có tựa đề “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” vừa được NXB Trẻ ấn hành nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay cũng xuất phát từ những điều gần gũi, thân yêu nhất?
- Đúng vậy. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ viết cuốn sách này như một món quà cho hai cháu tôi và tự in khoảng trăm cuốn để làm kỷ niệm. Nhưng một biên tập viên NXB Trẻ đọc bản thảo và quyết định in cuốn sách này. Biên tập viên ấy nói với tôi đó là những câu chuyện cụ thể về hai đứa trẻ cụ thể nhưng lại là câu chuyện chung cho những đứa trẻ khác.
Trong cuốn sách, tôi như một thư ký ghi lại những câu chuyện của hai cháu tôi trong năm đầu tiên của cuộc đời các cháu. Mục đích là kể các câu chuyện liên quan đến các cháu và mối quan hệ của các cháu với ông bà, cha mẹ và những người thân yêu hai bên gia đình nội ngoại…
Ngày nay, độc giả lứa tuổi thiếu nhi cũng có nhiều điểm khác biệt. Vậy ông có đồng cảm với ý kiến rằng, các nhà văn, nhà thơ khi ngồi xuống viết truyện cho các em ở thế kỷ 21 này cũng cần có thái độ khác, một cách viết khác?
- Tôi nghĩ, có lẽ những đứa trẻ hôm nay khác những đứa trẻ của 20 hay 30 năm trước chủ yếu về điều kiện sống và điều kiện giáo dục. Nhưng tâm hồn chúng trước khi tiếp xúc với những vấn đề phức tạp và đa dạng của xã hội thì giống nhau. Con tôi tò mò về cuộc sống quanh chúng và cháu tôi cũng thế. Bởi vậy, không cần một cuốn sách cho trẻ em với thi pháp hậu hiện đại. Hãy kể một câu chuyện dung dị, trong sáng, ngập tràn trí tưởng tượng và tình yêu với thiên nhiên và con người. Chỉ cần như thế và có lẽ không cần gì thêm nữa.
Tôi không đồng ý những cuốn sách viết cho trẻ em lại nhằm áp đặt một hình thái đạo đức nào đó. Điều đó có nguy cơ làm “tan vỡ” thế giới tuổi thơ của chúng. Hãy để cho trẻ em được sống trọn vẹn tuổi thơ của mình. Còn dài hay ngắn phụ thuộc vào từng lứa tuổi đọc cuốn sách đó. Nó không phải là điều quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông!