Con tiếp sức cha cày ruộng văn

Từ Khôi 28/06/2020 14:00

Mười năm trời đằng đẵng chăm cha. Mười năm trời sắp xếp lại hàng chồng tư liệu. Anh Bùi Sơn Định- con trai Anh hùng lao động, nhà văn Sơn Tùng còn thay cha biên soạn lại những bài báo, bài viết để xuất bản thành những tập sách. Tuy công việc vất vả luôn, nhưng chưa hề thấy anh cáu bẳn bực dọc.

Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, người viết lại nhớ tới anh Bùi Sơn Định, con trai thứ của nhà văn Sơn Tùng. Lặng lẽ sống, lặng lẽ chăm sóc cha hàng chục năm trời, và làm nốt công việc văn chương, tư liệu cha còn dang dở. Những việc đó dù anh chỉ nói là công việc của phận làm con nhưng cũng là một tấm gương tốt đẹp về văn hóa ứng xử trong gia đình.

Anh Bùi Sơn Định chăm cha - nhà văn Sơn Tùng.

Nói đến nhà văn Sơn Tùng, bạn đọc nhớ ngay tới những tác phẩm của ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Búp sen xanh. Sau hàng chục lần xuất bản, số lượng in đã vượt con số 1 triệu bản. Bên cạnh đó là các tác phẩm khác như: Bông sen vàng; Bác về; Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh; Bác Hồ cầu hiền tài; Bác ở nơi đây…

Cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh được NXB Kim Đồng xuất bản lần đầu năm 1981. Nhiều thế hệ độc giả đã quá quen thuộc tác phẩm Búp sen xanh với bìa và tranh minh họa của họa sĩ, nhạc sĩ Văn Cao. Và ở bìa 4 có lời đề của nhà văn Sơn Tùng: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”.

Truyền thống gia đình, truyền thống quê hương cũng làm nên tính cách và văn phong của nhà văn Sơn Tùng. Những bài viết về gia đình, về người cha, người mẹ, những người chiến sĩ cộng sản, những người dân yêu nước ở quê hương Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An) được nhà văn Sơn Tùng viết đã lâu nhưng còn dưới dạng bản thảo, hoặc đã in lẻ ở vài tờ báo từ mấy chục năm trước vừa được anh Bùi Sơn Định lựa chọn để gửi tới nhà xuất bản với tiêu đề “Quê hương và bạn hữu”.

Dịp tháng 6/2010, tức là cách đây đúng 10 năm, nhà văn Sơn Tùng từ Hà Nội về quê. Giữa thời tiết nắng nóng, gió Lào, ông nói chuyện với hàng trăm người dân quê hương. Nội dung buổi nói chuyện về truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của làng. Nhiều người dân xúc động khi nhà văn đề cập đến việc làng cần dựng lại ngôi đình năm xưa bị phá. Nhà văn Sơn Tùng năm đó còn trẻ nhưng đã được các bậc cao niên ủy thác giữ các đạo sắc phong. Sau đó, trở về Hà Nội được hơn một tuần thì nhà văn Sơn Tùng bị tai biến. Huyết áp lúc đó đo lên tới 240. Sau nhiều ngày cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, ông dần nhớ được đôi chút, nói được vài từ. Nhưng kể từ đó không tự ngồi và đi lại được.

Gia cảnh thanh bần, không có người giúp việc, anh Bùi Sơn Định, con trai thứ nhà văn xin nghỉ chế độ trước tuổi để chăm cha. Bởi vì, bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn Sơn Tùng cũng thường xuyên đau yếu.

Anh Định bắt đầu tất bật và làm quen với việc chăm sóc cha già. Chăm sóc người bệnh là thanh niên đã rất vất vả, còn đối với một người bệnh như nhà văn Sơn Tùng, sinh năm 1928, là thương binh loại ¼ với nhiều mảnh đạn còn găm trong đầu từ năm 1971 khi 43 tuổi, lại bị tai biến khi 82 tuổi thì còn vất vả bội phần. Thế nhưng, nhiều người đến nhưng không hề cảm thấy nhà đang có người ốm, vì không gian phòng không có “mùi”. Khách đến thăm, đến bên gường, nắm lấy bàn tay phải co quắp của nhà văn mà tưởng như ông chỉ đang mệt. Ở đầu gường, anh Bùi Sơn Định để chiếc đài mở cho cha nghe tin tức thời sự, nghe những file ghi âm anh đọc những trang sách, bài viết của cha và bạn hữu. Có những lúc, anh còn giả đò hiểu sai nghĩa của một vài từ để hỏi nhằm đánh thức trí nhớ của cha. Vì thế, sau một thời gian, khách đến thăm đôi khi cũng khá bất ngờ, xúc động khi ông còn nhớ tên, nơi làm việc của mình…

Bên cạnh “trăm việc không tên” chăm sóc cha, mẹ, anh Bùi Sơn Định lo chằng níu mái nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Khu nhà tập thể mái ngói từ thời bao cấp ở khu Văn Chương, Khâm Thiên mấy ai không biết về sự tồi tàn. Cả tầng vẫn dùng chung một khu vệ sinh.

Không phải nhà văn Sơn Tùng trước đây không có nhà. Khi đi chiến trường, ông đã gửi lại ngôi nhà 58 phố Nam Đồng cho chính quyền cơ sở. Năm 1971, khi bị thương trở về từ chiến trường thì người ta đã phân căn nhà đó cho người khác mà không bồi thường cho ông căn nhà khác. Long đong đi ở nhờ một thời gian thì ông được thuê dài hạn phòng ở khu tập thể Văn Chương bây giờ. Khó khăn là vậy, nhưng nhà văn Sơn Tùng lại rất tích cực giúp đỡ nhiều người khó khăn. Ông nhường căn nhà tình nghĩa cho một gia đình cơ cực. Ông viết thư cho lãnh đạo đề nghị quan tâm đến đại tá, nhà văn Siêu Hải, một người có công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, một trong những người chỉ huy đầu tiên của pháo binh Việt Nam, lập chiến công trong trận đánh Sông Lô, có một căn hộ chung cư để sống.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm gia đình nhà văn Sơn Tùng nhiều lần. Cảm phục sự hy sinh và tấm gương lao động văn chương và thành quả cống hiến của ông, năm 2011, Hội Nhà văn Việt Nam đã trình Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng. Danh hiệu cao quý đó mấy nhà văn có được? Vậy mà năm lần bảy lượt, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật không có tên nhà văn Sơn Tùng trong danh sách… Và ai cũng nhầm khi nghĩ rằng đi liền với danh hiệu AHLĐ là các chế độ đãi ngộ. Nhưng không…

“Không chỉ thừa hưởng tính kiên cường bền bỉ, anh Bùi Sơn Định còn có một trí nhớ rất kỹ như cha” - bà Phan Hồng Mai nói. Sau những ngày chăm lo sửa nhà, anh bắt tay dọn dẹp, phân loại những tài liệu, văn bản, ảnh, bản thảo của cha. Anh suy nghĩ xem mình sẽ xử lý những tài liệu như thế nào?

Bà Phan Hồng Mai - vợ nhà văn Sơn Tùng.

“Vạn biến như lôi, nhất tâm văn đạo”. Anh Định nhớ tới lời cha nói với nhiều bạn văn. Văn chương là nghề cao quý. Vì văn chương, anh đã từ chối nhiều cơ hội phát triển sự giàu sang cho bản thân. Vì văn chương mà cha anh đã gặp bao sóng gió cuộc đời. Nhưng mặt khác, vì văn chương cha anh được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều trí thức trong và ngoài nước nể trọng. Còn với người dân nhiều tỉnh thành được đọc, được nghe ông nói chuyện thì thêm hiểu về lãnh tụ, về các danh nhân và lịch sử đất nước, không ít người đọc và nghe ông nói chuyện đã sống có ích hơn cho gia đình, xã hội…

Anh Định quyết tâm sẽ bắt tay thực hiện những cuốn sách đề tên tác giả là cha mình bằng những bài viết, bản thảo chưa công bố. Hay những bài viết riêng lẻ của cha từ các báo biên soạn lại. Dù cả đời đi học, đi làm, anh đều không theo con đường văn chương. Anh làm tổ chức, hành chính cho Tổng công ty muối. Về hưu khi 56 tuổi để chăm sóc cha. Bắt đầu học viết báo, viết văn, biên soạn nhưng anh không nản. Năm 2013, anh Bùi Sơn Định gây bất ngờ lớn cho bạn đọc khi công bố tập thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ” của cha mình. NXB Hội Nhà văn đã xuất bản tập thơ dày này. Đây là tập thơ duy nhất của nhà văn Sơn Tùng. Người đọc đã quá quen thuộc với bài hát “Gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ” mà nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc mà không nghĩ rằng bài thơ đó viết từ ngày đầu chống Mỹ năm 1955. Dự báo một ngày Nam - Bắc hai miền thống nhất. Cùng năm đó, NXB Kim Đồng xuất bản cuốn “Tấm chân dung Bác Hồ” do anh Định biên soạn lại tư liệu của cha.

“Những ngày bên Bác” là cuốn sách thứ ba mà anh Định biên soạn. Cuốn sách do NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2015. Cùng năm 2015, NXB Kim Đồng xuất bản kịch bản văn học “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” do anh biên soạn lại. Kịch bản này đã được làm thành bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” do Long Vân đạo diễn. Bộ phim được thực hiện năm 1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhật Bác cho đến nay, vẫn là một trong những bộ phim thành công nhất.

Năm 2016, NXB Kim Đồng cho xuất bản cuốn “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” do anh Định biên soạn. Những tư liệu làm nên cuốn sách này trước đó cũng đã là nguồn cảm hứng để nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam viết kịch bản, dựng thành phim với tiêu đề “Nhìn ra biển cả”.

Mới đây nhất, NXB Văn học vừa xuất bản quyển 1 Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh do anh Bùi Sơn Định sưu tầm, biên soạn. Cuốn sách dày tới 835 trang cho độc giả thấy nhiều tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhà văn Sơn Tùng thu thập được không có trong các tác phẩm nổi tiếng “Búp sen xanh”, Bông sen vàng…

Và còn cuốn “Sơn Tùng, quê hương và bạn hữu” dày dặn nữa chờ xuất bản.

Báo đáp công ơn người sinh thành, anh Định không chỉ chăm lo đời sống, thuốc thang, mà còn tiếp chí cha, làm hiển sáng thêm các tư liệu mà cha dày công sưu tầm, viết. Những người con như thế thực là trân quý xiết bao.

Từ Khôi