Bán hàng đa cấp biến tướng
Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra những cảnh báo đối với người tiêu dùng cũng như cách nhận biết những công ty bán hàng đa cấp bất chính nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng.
Bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh được pháp luật cho phép, song thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng và biến tướng mô hình kinh doanh này nhằm thu lợi bất chính, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho người dân, khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thời gian qua đã nhiều lần đưa ra những cảnh báo về những sai phạm trong kinh doanh, bán hàng đa cấp.
Nổi lên là sự vụ xử phạt 605 triệu đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Morinda Việt Nam (địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội) bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm, tháng 2/2020.
Ngay sau việc xử lý sai phạm của Công ty Morinda, cơ quan chức năng tiếp tục xử lý chấm dứt hoạt động đối với Công ty đa cấp mỹ phẩm Thường Xuân (phân phối Oriflame). Đây từng là một số những công ty đa cấp có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam, song cũng có nhiều vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh được pháp luật cho phép, song bằng nhiều cách, một số cá nhân, DN đã lợi dụng mô hình kinh doanh này để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, khiến dư luận xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với loại hình kinh doanh này.
Cho đến nay, số DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp giảm mạnh so với năm trước, do một số DN biến tướng đã bị xử lý. Vụ hai công ty lớn bị phát hiện và xử lý sai phạm trong kinh doanh đa cấp nói trên một lần nữa cho thấy sự phức tạp trong hoạt động của loại hình kinh doanh này, ngày càng có nhiều chiêu trò nhằm lừa dối người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra những cảnh báo đối với người tiêu dùng cũng như cách nhận biết những công ty bán hàng đa cấp bất chính nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng.
Cụ thể, DN kinh doanh bán hàng đa cấp bất hợp pháp sẽ không có giấy chứng nhận hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp. Theo quy định, hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hang đa cấp rồi mới được phép hoạt động.
“Do đó, khi được giới thiệu tham gia vào bất cứ DN kinh doanh đa cấp nào, người tham gia cần kiểm tra xem DN đó có được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không...” - Bộ Công thương khuyến nghị.
Hiện, nhiều DN hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức có thể kể đến như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục, kêu gọi đầu tư các dự án trong đó người đầu tư được trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp...
“Các hình thức này là hình thức bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. Do đó, người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những DN kinh doanh theo hình thức này để hạn chế các rủi ro không đáng có...” - Bộ Công Thương khuyến cáo.