Nóng hơn cả mùa hè

MIÊN THẢO 29/06/2020 07:31

Hóa đơn tiền điện còn nóng hơn cả mùa hè đổ lửa năm nay. Mà mùa hè này là nóng nhất so với 27 mùa hè trước (theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia). 

Người dân thiếu tin tưởng cách ghi số của nhân viên điện lực. Ảnh: Ngọc Hiển.

Mùa hè năm nay là một mùa hè dữ dội, khi đợt nắng nóng đã kéo dài liên tục hơn 30 ngày trên nhiều vùng cả nước. Có nơi, nhiệt độ lên tới 43 độ C, còn thì từ 38 độ C trở lên là chuyện thường, trong khi Tổ chức Y tế tế giới (WHO) cảnh báo nhiệt độ ở ngưỡng 35 độ C đã tác động xấu tới sức khỏe con người. Nhưng, còn nóng hơn cả mùa hè này lại là việc hoá đơn tiền điện tăng bất thường. Thậm chí, theo chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tháng 5, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Mới đây, ngày 27/6, thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết đã yêu cầu EVN kiểm tra, phúc tra toàn bộ hóa đơn điện tháng 5 có chỉ số điện tăng từ 30% trở lên so với tháng trước.

Thống kê của EVN, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%; thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Nguyên nhân đầu tiên là do nắng nóng gay gắt nên người dân sử dụng điện nhiều hơn. Còn nguyên nhân tiếp theo là… ghi sai hóa đơn. Nhưng vì sao lại ghi sai thì chưa rõ: Có thể do nhân viên nhà đèn nhìn nhầm con số; mà cũng có thể là máy móc tính toán của hệ thống bị sai. Và cũng không loại trừ khả năng theo một cách nào đó nó đã bị cố tình làm sai.

Người dân khi cầm hóa đơn tiền điện sốt sình sịch như thể bị đánh úp. Người người lo lắng. Trong khi Nhà nước giảm giá nhiều mặt hàng để kích thích hồi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới (khi cơ bản Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19), thì giá điện như vậy quả là bất bình thường. Đã thế, dự kiến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5.

Nói điều đó không phải vô căn cứ khi mà theo số liệu thống kê mới nhất, cho đến đến ngày 20/6, thì đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5 (gấp 2,33 lần so với tháng 5). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5.

Trước bức xúc của người dân, ngành điện cũng đã có một số động thái xử lý, kể cả kỷ luật cán bộ. Ngày 25 và ngày 26/6, EVN đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác ghi chỉ số, xuất hóa đơn điện, với sự tham gia của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và một số cơ quan báo chí.

Một con số thật đáng suy nghĩ: Khảo sát tại Điện lực Thanh Xuân (thuộc EVN Hà Nội), trong tháng 4 và tháng 5, công ty này phúc tra gần 3.000 công-tơ điện/tháng. Nhưng đến tháng 6, số lượng công-tơ phải phúc tra vì tăng chỉ số tiêu thụ điện trên 30% lên đến hơn 63.600.

Với việc này, một trong những lý do quan trọng được đưa ra là việc chậm trễ khi chuyển từ công-tơ cơ khí (do con người ghi số) sang công-tơ điện tử (máy tự động nhập vào hệ thống). Nhưng dẫu có như vậy cũng vẫn là do lỗi của ngành điện lực khi chậm chạp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, cũng cần lật ngược vấn đề: Vì sao ngày trước toàn công-tơ cơ khí nhưng tiền hóa đơn điện không “khủng khiếp” như hiện nay?

Không ít ý kiến cho rằng, do độc quyền nên ngành điện hành xử không giống ai. Những năm qua đã có quá nhiều ý kiến đòi “tước” độc quyền của ngành này, để tránh chuyện muốn lên giá là lên. Thiếu điện cũng kêu mà thừa điện cũng lại kêu, rằng hệ thống đấu nối chưa thể tiếp nhận được các nguồn sản xuất điện mới (điện gió, điện mặt trời).

Nếu vẫn còn loay hoay toan tính như vậy thì biết bao giờ giá điện mới minh bạch, người dân mới hết kêu và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện mới hết trầy trật.

Một ý kiến khác từ giới chuyên gia cũng rất đáng lưu ý đó là cách tính giá điện lũy tiến 6 bậc như hiện nay được cho là một trong những nguyên nhân khiến chi phí tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt.

Việc EVN áp dụng biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang là rất phức tạp, không khác nào đánh đố người dân; chưa kể mức tính tiền điện lũy tiến hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước “nhảy giá” giữa các bậc chưa hợp lý, người sử dụng điện khó lòng kiểm soát.

Vậy nên mới nói, hóa đơn tiền điện còn nóng hơn cả mùa hè đổ lửa năm nay. Mà mùa hè này là nóng nhất so với 27 mùa hè trước (theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia).

MIÊN THẢO