Giấy phép lái xe A0 – 'chữa' phần ngọn- Bài 2: Xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng
Liên quan đến đề xuất buộc người điều khiển phương tiện từ 50cc trở xuống buộc phải có bằng lái A0, một số ý kiến ủng hộ cho rằng, nếu phụ huynh không muốn tốn kém, sợ con bị phân tâm không tập trung học hành vì phải học và thi lấy bằng... thì có thể chọn giải pháp cho các em học sinh đi xe buýt. Song, với năng lực phục vụ của vận tải công cộng hiện nay, điều này là bất khả thi.
Vận tải công cộng còn thiếu, yếu
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nêu quan điểm không đồng tình với việc các phụ huynh mua xe máy 50cc hay xe máy điện, xe đạp điện cho con mình tự đến trường, vì như vậy rất nguy hiểm cho cả các em và người đi đường. Song, không phải vì thế mà tướng Chất đồng tình với đề xuất buộc các em học sinh THPT phải học và thi lấy bằng lái A0.
“Người 16 tuổi chưa đủ yếu tố về mặt tinh thần cũng như thể chất để có thể bình tĩnh xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Vì thế không nên bắt các cháu phải học và thi lấy bằng lái A0. Nếu nghĩ đến lợi ích của người dân, cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp hơn, chứ không phải là cách này”, ông Chất nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi nếu không cho đi xe máy 50cc, thì các em học sinh sẽ đến trường bằng gì, ông Chất kiến nghị giải pháp triển khai xe buýt trường học để đưa đón học sinh đồng thời đặt câu hỏi: Tại sao tới thời điểm này mà hệ thống các trường học ở Việt Nam vẫn chưa triển khai cho học sinh tới trường bằng xe buýt? Các nước trên thế giới đã làm từ rất lâu rồi. Như ở Singapore, Bộ Giáo dục nước này tạo ra nền tảng kết nối dành cho dịch vụ xe buýt trường học, các đơn vị kinh doanh vận tải có thể gửi hồ sơ dự thầu cung cấp dịch vụ xe buýt trường học. Còn ở Australia, hầu hết trẻ em di chuyển bằng xe buýt công cộng. Học sinh Australia được miễn phí xe buýt, đổi lại các công ty sẽ nhận được khoản trợ cấp của Chính phủ.
“Tôi không hiểu vì sao đến bây giờ mà chúng ta chưa triển khai được loại hình vận tải này, vừa giảm áp lực giao thông, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh”, ông Chất đặt vấn đề.
Đề xuất của PGS.TS Trần Minh Chất được cho là khá hay khi giải quyết được vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh, giảm áp lực giao thông do ít phương tiện cá nhân lưu thông trên đường. Song, để có được dự án xe buýt đưa đón học sinh trên toàn quốc không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều. Và trong khi chờ đợi một phương án như vậy thì học sinh và các bậc phụ huynh sẽ giải quyết việc đến trường bằng cách nào đây? Do vậy, dù khá hay nhưng có thể nói giải pháp giả định của PGS.TS Trần Minh Chất là bất khả thi trong thực tế, ít nhất là ở bối cảnh hiện tại.
Ai cũng biết, với thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay thì không có một phụ huynh nào yên tâm để con đi trên đường bằng xe đạp điện, xe máy điện và xe máy 50cc. Song, không yên tâm rồi thì sao? Không lẽ phải nghĩ cách bớt xén giờ làm việc của cơ quan để dành thời gian đưa đón con? Ở một vài cơ quan hành chính nhà nước có thể du di thời gian được, vậy ở những cơ sở sản xuất, nhất là sản xuất dây chuyền thì sẽ lấy thời gian ở đâu để đưa đón con đây? Trong khi đó, năng lực vận tải công cộng quá yếu kém, xe buýt vừa thiếu vừa chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ, thì học sinh dùng phương tiện gì để đến trường? Cái khó bó cái khôn, vậy nên dù có không yên tâm thì phụ huynh vẫn buộc phải “thả” con ra đường để chúng tự đến trường.
Giáo dục an toàn giao thông trong trường học
Đồng tình với quan điểm cho rằng năng lực vận tải hành khách công cộng của các tỉnh, thành phố hiện nay còn quá yếu, làm gia tăng các phương tiện cá nhân, tạo áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cũng cho rằng, cần nhanh chóng triển khai loại hình xe buýt chuyên đưa đón học sinh tại các trường học.
“Chúng tôi cho rằng, dịch vụ xe buýt đưa đón học sinh là vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta có một dịch vụ xe buýt tin cậy, chất lượng tốt, an toàn thì tôi chắc chắn là các bậc phụ huynh sẽ khuyến khích con em mình đi xe buýt, góp phần giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm, giảm TNGT”-TS Minh nhận định. Song, như trên đã phân tích, hiện Việt Nam chưa phổ biến loại hình xe buýt trường học nên mong muốn của TS Minh và TS Chất khó có thể trở thành hiện thực trong nay mai được.
Liên quan tới đề xuất buộc phải học và thi lấy bằng lái A0, khá nhiều ý kiến không đồng thuận và cho rằng, thay vì dạy học sinh cách đối phó với quy định, hãy đưa môn học ATGT vào nhà trường như một môn học bắt buộc từ cấp tiểu học, để giáo dục ý thức tham gia giao thông cho các em từ nhỏ.
Theo một số luật sư thì việc đưa kiến thức ATGT vào giảng dạy trong các nhà trường được xem là cách giải quyết tận gốc rễ của vấn đề áp lực giao thông, an toàn học sinh, giảm các chỉ số TNGT... Khi các em được tiếp cận với kiến thức ATGT từ nhỏ, sẽ hình thành nên ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy tắc ATGT. Nếu chỉ bắt buộc có bằng, các em sẽ nảy sinh tư tưởng đối phó mà không thực sự tự giác chấp hành luật.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội), thực tế đối tượng học sinh ở lứa 16-18 tuổi đều đang học cấp 3, áp lực thi cử, học hành đè nặng. Chỉ học chính khóa thôi các em cũng đã có dấu hiệu quá tải, chứ nói gì đến việc dành thời gian và ý thức quan tâm tìm hiểu kiến thức ATGT. Trong khi đó, cha mẹ, nhà trường không thường xuyên giáo dục, hình thành cho các em ý thức khi tham gia giao thông an toàn.
“Nếu chưa thể bố trí thành môn học bắt buộc, nhà trường nên sắp xếp hẳn một thời gian nhất định trong tuần để dạy học sinh kiến thức tham gia giao thông như một môn học ngoại khóa. Chỉ cần nhà trường tổ chức dạy và học nghiêm túc, kết quả học tập tính vào điểm thi đua thì chắc chắn các em học sinh sẽ có ý thức trong việc học hơn đối với việc bắt các em phải thi lấy bằng lái A0”, ông Long đề nghị.
Một giáo viên THPT hiến kế: Hằng năm, học sinh lớp 9 và 11 vẫn học và thi lấy chứng chỉ nghề phổ thông, nhưng nghề các em học chỉ để cộng điểm vào cấp 3 hoặc xét tuyển đại học, hầu như không vận dụng được vào cuộc sống.
“Thay vì học những nghề chẳng mấy bổ ích cho tương lai sau này, hãy cho các em học ATGT, vừa đáp ứng được việc học nghề, vừa đảm bảo nâng cao ý thức khi tham gia giao thông”, cô giáo đề xuất.