Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo: Trường đại học khởi động

Thu Hương 30/06/2020 08:00

Nhận thấy sự cần thiết của việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT), 7 trường đại học (ĐH) kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư vào cuối tuần qua tại Đà Nẵng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, Bộ GDĐT cũng tổ chức tọa đàm về xây dựng Chuẩn chương trình ngành kế toán với sự góp ý của đông đảo các trường ĐH.

Thay đổi chuẩn “không ai giống ai”

Thừa nhận hiện nay chuẩn CTĐT và chuẩn đầu ra của các cơ sở giáo dục rất khác nhau, PGS.TS Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết: Sau khi Luật Giáo dục ĐH 2012 có hiệu lực, các trường ĐH được giao quyền tự chủ, CTĐT của các trường do hiệu trưởng ban hành. Các trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất tốt thì chuẩn CTĐT và chuẩn đầu ra sẽ tốt, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ngược lại, những cơ sở giáo dục còn hạn chế thì chuẩn CTĐT và chuẩn đầu ra sẽ hạn chế.

Chia sẻ góc nhìn liên quan đến việc đào tạo ngành y, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế chia sẻ: Trước đây, cả nước chỉ có 11 trường đào tạo bác sĩ đa khoa, đến nay có gần 40 trường tham gia đào tạo ngành này. Trong đó, vấn đề chất lượng được đặt ra ngay với cả khối trường công lập…

Thậm chí, ông Tác còn dẫn lời các giáo sư ĐH Pennsylvania, là trường hàng đầu của Mỹ về đào tạo y khoa nhận xét, một số bác sĩ Việt Nam rất giỏi, đặc biệt là về lâm sàng; nhưng chuẩn đào tạo bác sĩ của Việt Nam thì… không giống ai, chẳng theo chuẩn nào!

“Do đó, việc sắp tới có chuẩn CTĐT thì đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe sẽ chất lượng hơn và mặt bằng chung được đảm bảo tốt hơn”, ông Tác kỳ vọng.

Đồng tình với quan điểm này, TS Đinh Thế Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kế toán – Kiểm toán (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng thực tế hiện nay, mỗi trường xây dựng CTĐT theo phong cách riêng, chưa có căn cứ để so sánh, đánh giá. Vì thế, chuẩn CTĐT tối thiểu chung là cơ sở để tiến tới phân tầng ĐH, giúp các trường nhìn nhận mình đang đứng ở đâu, từ đó cải tiến, hoàn thiện CTĐT.

Với trách nhiệm ban hành chuẩn tối thiểu về chương trình các trình độ của giáo dục ĐH, Bộ GDĐT dự kiến lựa chọn xây dựng chuẩn chương trình ngành kế toán đầu tiên. Đây là ngành có số lượng trường ĐH đào tạo thuộc nhóm cao nhất hiện nay.

Đồng thời ngành này có nhiều thuận lợi để xây dựng chuẩn do bề dày lịch sử, tính hội nhập cao, chuẩn mực quốc tế rõ ràng và kinh nghiệm quốc tế xây dựng chuẩn phong phú. Đây cũng là mong muốn của nhiều trường ĐH.

Như ý kiến của TS Đinh Thế Hùng, đây là lĩnh vực có tính chất nghề nghiệp chuyên môn cao. Do đó, cần xây dựng Chuẩn chương trình ngành kế toán đối với các trình độ của GDĐH, giúp người học sau khi ra trường bảo đảm tối thiểu những mong muốn của các hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.

Tăng lựa chọn cho người học

Với khối trường kỹ thuật, cuối tuần qua, tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, 7 trường ĐH kỹ thuật gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Thuỷ Lợi và Trường ĐH Mỏ-Địa chất đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất về một số nguyên tắc phát triển các chương trình đào tạo Kỹ sư như số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.

Cụ thể, các chương trình đào tạo kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo khung trình độ quốc gia. Khối lượng kiến thức toàn khóa tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hoá, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ.

Các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: Mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp cử nhân - kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng cử nhân và kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khóa được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm). Và mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng cử nhân và kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.

Trên thực tế, hiện nay, cùng đào tạo kỹ sư nhưng các trường trong khối kỹ thuật có trường đào tạo 4,5 năm nhưng cũng có trường đào tạo 5 năm nên việc đạt được sự thống nhất chung này, sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tiến trình học tập phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế, thời gian. Đây cũng là sự tiệm cận tiến tới công nhận chương trình đào tạo, tín chỉ của nhau giữa 7 trường ĐH khối kỹ thuật trong nhóm.

Theo các chuyên gia, nếu căn cứ theo tiêu chuẩn kiểm định ABET ngành kỹ thuật phải có tối thiểu 25% chương trình dạy toán và khoa học tự nhiên. Muốn chương trình đạt chuẩn phải đáp ứng thông số này. Đó là tiêu chuẩn tối thiểu để xây dựng chương trình. Hiện Bộ tiêu chuẩn kiểm định của Việt Nam chưa có thông số này nên rõ ràng việc các trường ngồi lại cùng bàn bạc với nhau để đi đến sự thống nhất chung rất quan trọng.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định CTĐT hiện nay của Bộ GDĐT là 120 tín chỉ cũng cần tính toán, cân nhắc để cân đối giữa lượng kiến thức đại cương và kiến thức chuyên ngành để bảo đảm chuẩn đầu ra của người học.

Thu Hương