Ba điểm nhấn từ một kỳ họp
Kỳ họp thứ 9- một kỳ họp đặc biệt với những quyết định cũng rất “đặc biệt” với nhiệm vụ hàng đầu là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp được coi là động lực của tăng trưởng, và chỉ khi nào “sức khỏe” doanh nghiệp được ổn định thì nền kinh tế mới thực sự tăng tốc phát triển.
Nhìn căn cơ, hỗ trợ doanh nghiệp tức là hỗ trợ cho nền kinh tế, an sinh, việc làm, sinh kế người dân vì doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực tạo ra nhiều việc làm. Vì thế, tại kỳ họp thứ 9, cả 3 nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân đều được quyết định hết sức cẩn trọng.
Từ “hỗ trợ 15 nghìn tỷ”... đến 23 nghìn tỷ
Sau gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, dù đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, nhưng Chính phủ vẫn quyết định triển khai nhiều biện pháp nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Cụ thể chính là việc tại kỳ họp thứ 9 đã trình Quốc hội Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Số tiền ước tính để hỗ trợ cho doanh nghiệp vào khoảng hơn 15 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên khi đưa ra Quốc hội thảo luận, rất nhiều ĐBQH đã kiến nghị không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp “nhỏ”, mà cần hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp “vừa” và “lớn”. Bởi những doanh nghiệp này cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cũng nói thêm rằng, hiện trong tổng 760.000 doanh nghiệp, thì trong đó 93% là doanh nghiệp nhỏ, 4% là doanh nghiệp vừa; và 3% là doanh nghiệp lớn. Số doanh nghiệp này có đóng góp lớn vào GDP, lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Ngay bản thân các doanh nghiệp lớn như hàng không, du lịch cũng thiệt hại rất nặng nề do dịch. Vì vậy việc mở rộng diện hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng là điều cần thiết. Trên có sở đó, ngày 16/6, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản số 7282/BTC-CST tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự án Nghị quyết gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cả doanh nghiệp có quy mô “vừa”.
Từ thực tế lắng nghe ý kiến các ĐBQH, cũng như đòi hỏi cấp bách từ thực tế, vào đúng ngày bế mạc của kỳ họp thứ 9 (19/6) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác với 91% ĐBQH tán thành. Điều đáng nói, sự khẩn trương để giúp doanh nghiệp nằm ở việc Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua ngay trong 1 kỳ họp thay vì được thảo luận qua 2 kỳ họp mới được thông qua. Theo Nghị quyết trên, không chỉ các doanh nghiệp “nhỏ”, hợp tác xã được hỗ trợ mà doanh nghiệp “vừa” có doanh thu không quá 200 tỷ đồng cũng sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có quy mô “nhỏ” và “vừa” nhằm hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, tăng tích lũy để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Việc áp dụng Nghị quyết dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước của năm 2020 khoảng 23 nghìn tỷ đồng (thay vì 15 nghìn tỷ đồng như phương án lúc đầu Chính phủ trình).
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025
Dù ngân sách đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vì “tam nông”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đây được coi là biện pháp để kích cầu cho “tam nông” vì qua đó kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025. Tính bình quân, mỗi năm ngân sách sẽ hụt thu khoảng 7.500 tỷ đồng từ tiền miễn thuế này nhưng lại nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH.
Nói vậy là bởi nhìn lại sau 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó việc thông qua Nghị quyết này, tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không những tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà còn góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thông qua đó, khuyến khích kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hiếm có vấn đề nào nhận được sự đồng tình cao từ phía các ĐBQH đến vậy. Không chỉ bởi quyết sách “trúng” lòng dân, mà còn là “đầu tư” cho những năm tiếp theo.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi nhiều ngành kinh tế khác thiệt hại thì một lần nữa nông nghiệp, dưới sự chèo lái của người nông dân vẫn trụ vững, đóng góp vào tăng trưởng mới thấy giá trị của nông nghiệp như thế nào. Nói như lời ĐB Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) thì: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nông nghiệp vẫn phát huy vị thế của mình. Do đó, việc ban hành Nghị quyết là thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra, trong khi các chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được người nông dân quan tâm”.
Chấm dứt dự án BT
Tại kỳ họp thứ 9, một điểm nhấn quan trọng đáp ứng kỳ vọng của nhiều người khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối với 448/456 ĐBQH tán thành. Như vậy, Việt Nam đã luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.
Đáng chú ý, việc thông qua luật đồng nghĩa với việc đã chính thức bỏ quy định về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) ra khỏi luật. Theo đó, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT. Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện. Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế: “Việc dừng triển khai mới loại hợp đồng BT là vô cùng quan trọng. Bởi thời gian qua, dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt. Có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước”.