Biên đạo múa Trần Ly Ly: Nghệ sĩ đến thế giới này để cống hiến
Dự định vẽ 108 tranh chung đề tài về hoa sen để tặng cho bạn hữu, biên đạo múa Trần Ly Ly cứ thế miệt mài trong thế giới riêng của mình. Cuộc sống bận rộn ở TP HCM với nhiều chương trình truyền hình, việc quản lý, những vở diễn mới, cùng các đơn đặt hàng… vẫn không kéo chị được vào guồng quay bất tận.
Sau những không gian ồn ào, Trần Ly Ly trở về nhà, đóng cánh cửa ngăn cách với bên ngoài để đảm đang vai trò người phụ nữ của gia đình. Rồi đến ngày, cũng như đã có sự chuẩn bị tinh thần trước, Trần Ly Ly quay trở về Hà Nội để bắt đầu trách nhiệm mới. Cứ thế, mọi phần thưởng tiếp tục mở rộng đối với người phụ nữ, không biết nơi nào là điểm dừng cho các sáng tạo nghệ thuật này.
Mất gần 2 tháng, bắt đầu từ ngày sau khi kết thúc giãn cách xã hội, tôi và biên đạo múa Trần Ly Ly mới hoàn thành được bài đối thoại này.
PV:Ngay sau thời gian giãn cách xã hội, thấy Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam có ngay vở diễn mới ra mắt công chúng, cũng như chị liên tục nhận nhiều giải thưởng danh giá, điều gì đã tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ ấy?
Biên đạo múa Trần Ly Ly: Covid-19 là một đại nạn lớn mà toàn thế giới phải chịu đựng và trải qua. Chúng tôi cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tuy nhiên Covid cũng là thời gian cần thiết và lắng đọng để chuẩn bị cho sự tiếp diễn của cuộc sống. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thì chưa ra ngay vở mới sau Covid mà chúng tôi có làm một video về sự kiện Covid tại Việt Nam, trong bối cảnh đó, những nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã tập luyện ở nhà cũng như gửi những nguồn năng lượng tích cực và tình yêu đến xã hội. Video này đã được VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đưa vào phóng sự.
Covid cũng đã làm thay đổi lịch trình của chúng tôi là mang vở ballet “Hồ Thiên nga” đi tour toàn quốc vào tháng 4. Chúng tôi đã phải hủy chuyến đi này và lùi lại cuối tháng 8 đầu tháng 9. Sau khi kết thúc giãn cách, chúng tôi ngay lập tức trở lại với cuộc sống sau “cơn địa chấn Covid” vào tập luyện hai vở là vở ballet “Romeo và Julliet” và vở nhạc kịch hứa hẹn cú huých lớn của nhạc kịch Việt Nam đó là “Những người khốn khổ” với sự tham gia của toàn bộ ba đoàn của nhà hát. Chúng tôi sẽ công diễn vào mùa thu này.
Trong tháng 6 là chương trình Đại hòa nhạc mang tên “We return” - Chúng tôi trở lại - đại hòa nhạc này là sự kết hợp giữa ba đơn vị: Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam - Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Còn việc tôi lên sân khấu nhận giải thưởng là thành quả từ trước nay được gặt hái. Một tác phẩm múa của tôi mang tên: “Dũng sĩ rừng Sác” đã được giải A trong cuộc sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh được Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà nước trao tặng.
Chị luôn có duyên với các giải thưởng lớn và không ngừng nghỉ cho việc duy trì cũng như phát triển khả năng của bản thân qua các công việc chị làm?
- Có lẽ trời trao duyên thôi. Nói là vậy tuy nhiên nghề nghiệp để có được là sự trau dồi không ngừng nghỉ. Các cuộc thi, các đề tài là mục tiêu, nói kiểu dân dã là cái cớ để mình làm việc và cống hiến. tác phẩm nghệ thuật không chỉ khi có cảm xúc mới làm được mà nó còn cần phải làm việc vì mục tiêu lớn vì sự cống hiến với cộng đồng và xã hội.
Đang rất thành công tại TP HCM với vai trò quản lý, sáng tác, khách mời, ban giám khảo… vì sao chị quyết định quay trở về Hà Nội?
- Vì tôi được điều về quản lý một nhà hát. Tức là làm Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, gần như có thể nói là một trong hai nơi tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó.
Thời gian đầu tiên trở về, chị gặp những vấn đề gì cần giải quyết?
- Nhiều vấn đề, như tất cả mọi nơi. Mọi sự đều có vấn đề của nó.
Trong thời kì mới, vô cùng khó khăn, công chúng có nhiều lựa chọn, nhiều cách thẩm và tiếp cận nghệ thuật. Trên tay ai cũng có smart phone đầy ứng dụng công nghệ cao. Vậy việc đến nhà hát xem một vở sân khấu là quá ngại, quá khó. Phải hay hoặc nổi tiếng hoặc tò mò thế nào họ mới đến nhà hát. Hơn nữa, giá trị của sân khấu cũng như cách tiếp cận nó khác hẳn với tất cả các loại hình khác. Nó chỉ là một cái sân khấu hình chữ nhật, mọi biến hoá không gian thời gian và con người, câu chuyện, vấn đề đều trong đó. Như vậy không gian hữu hạn và thời gian cũng hữu hạn. Vấn đề quan trọng nhất đó là tài năng của con người. Mà bây giờ nguồn ấy hiếm lắm. Cạn kiệt.
Tuy nhiên, thấy chị nhanh chóng hòa nhập và đưa Nhà hát nhanh chóng phát triển với những vở diễn thành công ra mắt công chúng?
- Tôi dám làm điều tôi tin là đúng. Và thật may mắn, anh em tôi theo tôi, họ tin tôi.
Làm Giám đốc nhà hát, với chị có những điều gì hay và thú vị?
- Mỗi công việc đều có sự thú vị của nó. Nhưng tôi cho rằng làm lãnh đạo mà làm tốt là rất khó.
Thông qua việc tổ chức các chương trình nghệ thuật, chị vẫn có thể bày tỏ được tư tưởng của chị?
- Có chứ ạ. Sản phẩm nghệ thuật của Nhà hát Nhạc Vũ kịch - VNOB là tôi định hướng nghệ thuật, quyết định tác phẩm, ekip sáng tạo, ekip thực hiện và tổ chức sản xuất. Sau đấy là PR, marketing và sales.
Với chị, là một nghệ sĩ sáng tạo và nhà quản lý, có cần phân tách rạch ròi không?
- Tôi cũng không biết nữa, chắc trời cho tôi 2 vai.
Làm thế nào chị cân bằng được hai vai trò này, chưa kể còn là phụ nữ trong gia đình nữa?
- Quả thật là khó khăn và đôi khi là đau khổ.
Cảm giác của tôi chị là người phụ nữ quá ham việc và giàu năng lượng?
- Tôi cũng không phải là người máy, tôi cũng biết mệt mỏi mà. (cười)
Thời gian này thấy chị còn vẽ hoa sen tặng bạn, nét vẽ mỏng trên giấy chừng trăm bức, lý do gì mà chị đến với vẽ vậy?
- Covid có cái hại rất lớn đối với cộng đồng tuy nhiên trong cách nhìn của tôi thì Covid giống như một lời cảnh tỉnh đối với thế giới về nhiều vấn nạn xã hội và môi trường. Về mặt tâm linh và con người cũng là thời gian và sự kiện lớn khiến chúng ta bình tĩnh lại, nghỉ ngơi về mặt hữu hình và soi chiếu về mặt tâm linh. Mình tĩnh tại lại quan sát và chăm lo gia đình, nghĩ ngợi đến bạn bè, yêu thương con cái, và biết yêu thương bản thân mình hơn. Covid khiến con người lo sợ mất nhau khiến tình cảm và tình thương trỗi dậy, đấy là điểm mà tôi nhìn thấy rất rõ.
Từ bản thân tôi tôi chưa bao giờ vẽ thực sự hay học vẽ. Thời thanh xuân có tham gia một lớp vẽ 3 buổi với cậu em trai. Có thể nói chưa học vẽ bao giờ và cũng không tin mình có thể vẽ được.
Covid khiến tôi muốn làm điều gì đó khác đi. Covid cũng khiến tôi muốn gửi năng lượng và tình yêu thương của tôi tới bạn bè tôi. Không lẽ gửi mấy con gà hay thức ăn, mà tôi thì không thạo làm các món ăn lắm (cười). Hay là bắt đầu vẽ cái gì đó thay viết thư.
Thế là câu chuyện vẽ tranh bắt đầu. Khi đưa lên Facebook bức vẽ ngây ngô đầu tiên, tôi đón nhận sự hưởng ứng của bạn bè và tôi hiểu rằng mọi người cho đi và đón nhận là tình yêu thương, sự sẻ chia và những năng lượng tốt đẹp chứ không phải bức tranh đẹp hay xấu. Cho nên mạnh dạn, tôi tuyên bố sẽ vẽ hoa sen và vẽ 108 bức tặng bạn bè. Bất cứ ai trong list bạn bè mà đăng kí đều được nhận không có chọn lựa. Khi đủ 108 đăng kí sẽ dừng lại. Cái này tôi gọi là tùy duyên.
Trong quá trình vẽ tôi cảm thấy thật tuyệt vời, tôi nghĩ thiền họa là một thứ tĩnh tâm và đi vào nội tâm chính mình một cách sâu sắc. Trong sự hữu hạn hiểu biết của tôi, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi có thể ngồi hàng giờ làm việc đó mà không chán. Hiện giờ tôi đã vẽ được 80 bức rồi. Còn 20 bức nữa và 8 bức cho một số trường hợp đặc biệt thì sẽ tổ chức Trà tiệc trưng bày và tặng tranh. Mục đích là kết nối và yêu thương.
Biên đạo và vẽ hay sáng tác nhạc, sáng tác văn học thực ra chỉ là công cụ chuyện tải nội dung, nội tâm, suy nghĩ và quan điểm của tác giả về một ý tưởng, ý niệm hay góc nhìn, quan điểm về cuộc sống hay một điều gì đó lớn hơn hoặc nhỏ hơn mà thôi. Vì chỉ là công cụ biểu đạt nên vẽ và múa khác mà giống, giống mà khác. Giống về lối suy nghĩ, khác về cách biểu đạt.
Cũng như trên vì họa và múa điều biểu đạt tâm tư nội dung của tác giả nên rõ ràng là biểu đạt tinh thần của tôi. Tôi vẽ hoa sen vì hoa sen có nhiều thứ để nói, nhiều góc nhiều nội dung. Hoa sen biểu trưng phật giáo, quốc hoa cái đẹp và tình thương. Tôi muốn chia sẻ tình cảm yêu thương của tôi, sự quan tâm của tôi với mọi người.
Thế giới tâm linh rất vi diệu nhưng có lẽ người trần mắt thịt chúng ta đều chỉ hiểu được một phần vô cùng nhỏ bé và cả cuộc đời chúng ta đi trải nghiệm và học những bài học như xếp từng viên gạch trên một con đường. cứ lần lượt như vậy chúng ta đi hết một cuộc đời. Thế giới tâm linh bao la, con người chỉ cần sống thiện lương và có tri thức, có sự sáng suốt và minh tuệ là được rồi.
Vẽ sen cũng là một hành trình tâm linh của chị?
Vẽ sen có phải là hành trình tâm linh của tôi? Có người nói rằng người nghệ sĩ chân chính, tập trung làm nghệ thuật là người gần với các đấng linh thiêng nhất. Điều đó chắc có thể có nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều. Bản thân tôi tôi rất tin. Tôi cho rằng có người đến cuộc đời này để hưởng thụ, có người đến cuộc đời này để trả nợ, có người lại đến để học các bài học khác nhau về sự đau khổ, hạnh phúc hay chia ly. Họ học các bài học về gia đình, về sự san sẻ... thậm chí có người học cách sống một mình vững chãi. Có người phải đối diện với sự cô độc. Tôi nghĩ rằng nghệ sĩ đến với thế giới này để cống hiến, để làm những tác phẩm hay tham gia kiến tạo nó để làm đẹp cho đời, hướng dẫn tâm thức con người hướng tới cái thiện, bản chất trong trẻo nhất của sinh linh. Có người mang linh hồn già, có người mang linh hồn trẻ. Nhưng có lẽ linh hồn nghệ sĩ chắc chắn đã được tu tập nhiều kiếp, để đến một ngày họ đến thế giới này để làm điều gì đó cống hiến.
Tôi vốn không biết vẽ, Covid làm tôi nghĩ rằng tôi có thể làm một điều gì đó về nghệ thuật mà ko phải điều mình đã biết trước đó- ví dụ âm nhạc hay múa chẳng hạn. Tôi muốn thử vẽ. Tôi cầm bút và vẽ, không phân vân, không đắn đo hay hoảng sợ, cũng không lo lắng sẽ gặp những lời khen chê. Bởi với bản thân tôi, đây có lẽ là hành trình tâm linh của chính mình. Tôi vẽ từng bức hoa sen với ý niệm là tặng cho bạn bè tình yêu thương, chỉ thế thôi. Hành trình đó như cuộc dạo chơi của tâm thức tôi, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần, từ trên xuống thấp. Cuộc độc thoại nội tâm và năng lượng của chính mình. Cuộc gột rửa tâm hồn. Bài học cần thiết cho bản thân tôi. Con người thì phải thấu hiểu. Mỗi bức tôi vẽ tặng ai tôi nghĩ tới họ, có thể trực tiếp chủ động hay gián tiếp bị động. Điều gì đó sẽ dẫn đường kết nối. Tôi tin điều ấy.
Vẽ sen là sự chia sẻ năng lượng tích cực và tình yêu thương của chính tôi cho bạn bè. Việc tặng tranh này là do duyên và vì duyên cho nên những bạn được tặng tranh ko phải là tôi lựa chọn mà vì khi tôi tuyên bố tặng tranh, mọi người đăng kí tôi sẽ tặng 108 bức. Nếu ai hữu duyên trong thời gian ấy mà đăng kí, tôi sẽ ghi nhớ và sẽ vẽ tặng. Chứ ko có chuyện cân nhắc chọn lựa.
Tôi học được tình thương nhiều hơn từ khi vẽ tranh cho nên tôi nghĩ vẽ sen chính là một bước trong hành trình tâm linh của chính mình.
Quan sát xuyên suốt quá trình sáng tạo của chị, rõ ràng thấy được chị có một tư tưởng chung về thế giới tâm linh, chị có thể chia sẻ rõ ràng cụ thể hơn về thế giới ấy?
- Thế giới tâm linh là một thế giới khó có thể định dạng, nhưng trong tâm khảm tôi luôn tin có thế giới ấy. Đặc biệt là những người làm nghệ thuật như tôi thì sự cảm nhận đối với thiên nhiên hay đối với thế giới vô hình khá mạnh. Tôi nghĩ rằng đó là những dòng điện, dòng năng lượng của vũ trụ, của con người trong không gian mà những người làm nghệ thuật với sự tập trung một việc có thể nhận được. Tư tưởng xuyên suốt của tôi về tâm linh đấy là việc thiện và việc quảng bá những điều thiện lành ấy. Làm nghệ thuật là làm về cái đẹp, ca tụng cái đẹp, ca tụng sự nhân văn và quảng bá nó. Tôi cố gắng tuân thủ việc ấy.
Nhớ lần đầu xem vở múa đương đại của chị là qua cuộc thi tìm kiếm tài năng của Quỹ Văn hóa Đan Mạch, đó cũng là vở múa đầy biểu cảm muôn sắc màu, với sự biểu lộ thế giới trong chị, chị có thể chia sẻ về tác phẩm ấy?
Tác phẩm của tôi khi làm quỹ Đan Mạch, tôi tiếp cận ở một góc độ rất hiếm người làm về múa. Đó là tác phẩm “Bể cá cảnh”. Thông qua bể cá cảnh tôi muốn khán giả nhìn thấy một thế giới thu nhỏ của các mối quan hệ trong một không gian nhất định. Có thể tưởng tượng đó là một gia đình hoặc to hơn đó là một xã hội. Trong xã hội ấy có yêu ghét mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn. Và mong muốn vượt ra ngoài khuôn khổ để tạo ra khuôn khổ khác...
Nói chung, thường thì thông qua một tác phẩm nghệ thuật chúng tôi biểu đạt cuộc sống, những lăng kính cuộc sống hoặc tư tưởng của tác giả hoặc của nhân dân.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật truyền thống, điều gì dẫn chị tới con đường đương đại?
- Tại tôi học Classic nhiều năm và thấy được đương đại hết sức thú vị. Đương đại mở ra một chân trời mới, một cách làm mới. Và tôi không ngại làm cách mạng với chính mình và trong nghệ thuật.
Với một tác phẩm múa đương đại, chị cần chuẩn bị những gì và tiến hành thực hiện như thế nào?
- Để trả lời được câu này hẳn tôi phải viết như một tham luận dài khoảng 4.000 từ trở lên với sự nghiên cứu cẩn trọng (cười). Nhưng có lẽ chị là người theo dõi nghệ thuật đương đại nhiều năm muốn hỏi để biết tôi làm thế nào nhiều hơn là hỏi về các bước thực hiện theo quy chuẩn.
Về phía tôi thì tôi thường bắt đầu bằng một ý tưởng mà tôi thấy thú vị, hoặc thấy cảm xúc hoặc rất nhức nhối. Một câu hỏi hay một vấn đề trong xã hội mà tôi quan tâm. Vấn đề đó là vấn đề có thể thực hiện được bằng nghệ thuật của tôi. Tôi tìm tòi cách đặt vấn đề, cách đưa ra vấn đề, cách chốt vấn đề và định hướng vấn đề mình đưa ra. Vấn đề đó cần tập trung điều gì là mấu chốt, là nhức nhối là mâu thuẫn. Làm tác phẩm nghệ thuật đương đại khá khó, vì nó có thể trừu tượng, đa chiều hay thực tế. Nhìn từ góc này hay góc khác. Tác phẩm đương đại ví như ta nhìn được 3D hay 360 độ vậy. Ví von thế thôi chứ nó khó hơn nhiều.
Tác phẩm đương đại được thể hiện với nhiều bộ môn nghệ thuật và kĩ thuật kết hợp. Cho nên một biên đạo múa đương đại là một đạo diễn. Họ đạo diễn nên tác phẩm đó. Trước đây múa là múa, nhạc là nhạc, hay phim là phim, tôi ví von vậy một cách tương đối nhưng bây giờ một sản phẩm nghệ thuật đương đại là sự phối hợp giữa nhiều thứ, thậm chí không phân chia ngôn ngữ chính phụ, không phân chia tỷ lệ của ngôn ngữ nghệ thuật. Tất cả đều phụ thuộc vào đạo diễn. Như thể ông hoặc bà ấy chính là đầu bếp mà các vật liệu nấu món ăn là các bộ môn nghệ thuật được sử dụng. Gia giảm thế nào là do ông hoặc bà ấy quyết định. Đôi khi món gà hầm nấm thì sau khi ăn người ta lại ấn tượng với nấm và một loại gia vị mà đầu bếp cho vào còn vương vấn, để lại ấn tượng cảm xúc cho họ hơn là gà.
Cho nên làm đương đại khó, không dễ một chút nào, người ta thường lầm tưởng nó dễ vì trông có vẻ hỗn hợp hay hỗn loạn. Người làm không giỏi cũng tưởng là hay mà hoá ra là hỗn loạn không kiểm soát được, lung tung và không mang lại giá trị.
Ngoài công việc ra, những lúc nghỉ ngơi, chị thích làm những gì thư giãn?
- Hiện nay tôi đang vẽ tranh, nghe nhạc và xem phim.
Một ngày của chị đang diễn ra thế nào?
- Đi làm và về nhà.
Các dự định của chị trong thời gian tới thì sao?
- Có nhiều dự định lắm, nhưng mục tiêu của tôi không thay đổi về định hướng nghệ thuật của nhà hát. Tôi vẫn sẽ làm các vở ballet và nhạc kịch lớn và những hoà nhạc mang tính thời đại.
Cảm ơn chị. Mong chị mạnh khỏe, tràn đầy năng lượng sáng tạo và truyền tải mọi cung bậc tình yêu thương thông qua mỗi tác phẩm của mình.