Yên Bái đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Chặng đường lịch sử 120 năm kể từ ngày thành lập tỉnh, Yên Bái đi lên từ một vùng sơn cước lầm than, đói nghèo và lạc hậu hiện đã chạm đến tầm vóc một tỉnh khá trong khu vực Tây Bắc. Ghi chép của Đại Đoàn Kết tại buổi lễ Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh và 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái được tổ chức sáng nay 30/6.
Đoàn kết đánh giặc trong đói nghèo
Yên Bái là tỉnh nằm ở vùng cửa ngõ Tây Bắc cách Hà Nội gần 160 km, được thành lập năm 1900, được coi là một nơi sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hóa nhân bản thể hiện qua nhiều di vật, di chỉ đặc biệt. Yên Bái nằm bên lưu vực sông Hồng, sông Chảy và dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cư dân Lạc Việt cổ với nhiều dân tộc sinh sống lâu đời đã từng tạo nên nơi đây một vùng giao thương phồn thịnh, đoàn kết và chung sức góp phần xây dựng và làm rạng rỡ nền văn minh sông Hồng.
Vào cuối thế kỷ 19, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành bình định nước ta, chúng đặt Yên Bái thuộc các Đạo quan binh. Ngày 11/4/1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm có phủ Trấn Yên, châu Văn Chấn, châu Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Từ năm 1910-1920, Pháp chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang) và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Bái.
Từ đó cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, địa dư và các đơn vị hành chính tỉnh Yên Bái không thay đổi. Năm 1258 nhân dân các vùng Văn Chấn, Trấn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Mông - Nguyên khi chúng xâm lược nước ta lần thứ nhất.
Lần xâm lược tiếp theo của chúng đã bị chính tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quyết liệt với sự ủng hộ của các dân tộc người Yên Bái, khiến bước tiến của chúng về kinh thành Thăng Long bị chậm lại đáng kể. Năm 1991, tỉnh Yên Bái được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn (chia thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai).
Hiện nay, toàn tỉnh có 821.030 người (năm 2019), gồm 30 dân tộc chung sống. Ngoài người Kinh chiếm đa số, đây là nơi sinh sống đâm đặc các dân tộc Tày, Dao, Mông và Thái với những bản sắc văn hoá đậm nét dân tộc.
Yên Bái chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng vẫn nằm dưới sự cai trị của bộ máy chính quyền phong kiến. Đó là những năm dài nhân dân Yên Bái bị nô dịch trong vòng tăm tối, lạc hậu, cuộc sống cơ cực, lầm than.
Một lần nữa, tinh thần cách mạng sáng ngời, bản lĩnh kiên cường và ý chí vươn lên lại trở thành sức mạnh to lớn, khích lệ đồng bào các dân tộc Yên Bái cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa của đồng bào Kinh, Tày, Dao... ở nhiều nơi trong tỉnh đã liên tục nổ ra đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất… và đặc biệt là cuộc Khởi nghĩa Yên Bái vào tháng 2/1930 do nhà yêu nước Nguyễn Thái Học khởi xướng và lãnh đạo đã hiệu triệu với chí khí: "Đuổi giặc Pháp về nước Pháp; đem nước Nam trả lại người Nam". Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng đã gây một tiếng vang lớn về phong trào cách mạng yêu nước của Việt Nam trên thế giới lúc bấy giờ.
Năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, mở ra dấu mốc lịch sử quan trọng về ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và là bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở các địa phương trong toàn tỉnh. Từ đây, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ tỉnh, lớp lớp những người con trung kiên của quê hương đã hiến dâng trọn đời mình cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, góp phần làm nên Cách mạng tháng 8 thành công, đập tan xiềng gông nô lệ của thực dân Pháp, phát xít Nhật thống trị hơn nửa thế kỷ, chấm dứt chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở nước ta.
Yên Bái sau năm 1945 cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, đứng trước đại nạn "giặc đói", "giặc dốt"; và giặc ngoại xâm, nhưng chính quyền non trẻ và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, vẫn hoàn toàn vững chắc, củng cố lực lượng vũ trang. Yên Bái đã mở nhiều chiến dịch lịch sử như: Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951), nhất là chiến dịch Tây Bắc (1952) đã đập tan phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng hoàn toàn Yên Bái, cùng quân dân cả nước tiến tới đỉnh cao chói lọi là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Khắc sâu lời căn dặn của Bác vượt lên thách thức cuộc sống
Bác Hồ đã đến thăm nhân dân Yên Bái vào cuối tháng 9/1958. Bác căn dặn người Yên Bái đoàn kết “như bàn tay nắm chặt thì không ai bẻ được”, “đoàn kết các dân tộc và biết chăm lo giúp đỡ nhau”, “dân cùng quân làm đường cho xe vận tải đến tận các thôn bản vùng cao cho kinh tế phát triển”… Lời căn dặn sâu sắc của Bác mộc mạc, chân tình đã trở thành tư tưởng lớn, hành động cách mạng cho người Yên Bái đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng vạn thanh niên Yên Bái đã xung phong tòng quân, lên đường đánh giặc, anh dũng hy sinh ở tuổi đôi mươi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975.
Yên Bái cũng chính là nơi có hồ nhân tạo lớn nhất cả nước – Thác Bà. Hàng chục năm trước, có tới hàng ngàn gia đình đã di dời khỏi quê cha, đất tổ bên dòng sông Chảy huyền thoại, nhường phần đất đã gắn bó bao đời để xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà - cánh chim đầu đàn của Thủy điện Việt Nam, tạo nên dòng điện Tổ quốc. Từ đây nông nghiệp miền Bắc được tiếp thêm sức mạnh mà sản xuất lúa gạo cho bộ đội đánh thắng giặc Mỹ.
Gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, và đặc biệt những năm qua, Yên Bái đã tạo nên diện mạo mới, sức sống mới, hình ảnh mới. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận khi lên thăm, làm việc và tham dự Lễ phát động Tết trồng cây 2019: "Chưa bao giờ Yên Bái có được cơ đồ như hôm nay”, kinh tế tăng trưởng khá theo hướng bền vững, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân, thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao, giữa đô thị và nông thôn.
Yên Bái đã khẳng định được là trung tâm liên kết phát triển vùng, là điểm sáng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở Tây Bắc. Một nửa số xã (76 xã) toàn tỉnh và một huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tốc độ tăng thu ngân sách khá cao (đạt 3.500 tỷ đồng năm 2019). Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, tươi đẹp. Đây cũng là nơi có nhiều tập đoàn kinh tế quốc gia tìm đến đầu tư và đã phát huy hiệu quả cao, như Vingroup, Tôn Hoa sen, Nipon Zuki, RK Ấn Độ, Anphanam, Chân Thiện Mỹ. Dường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua Yên Bái cũng đã tác động rất lớn đến kinh tế, phát triển của Yên Bái những năm qua.
Yên Bái với một kế hoạch dài hơi và tầm nhìn bài bản về du lịch trên tiềm năng sẵn có, đã thực sự bước vào khai thác kinh tế lĩnh vực này khá ấn tượng. Những điểm đến và khám phá nổi tiếng như danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, dù lượn đèo Khau Phạ, xòe Thái Mường Lò (đang được hoàn tất hồ sơ đệ trình lên UNESCO để vinh danh là di sản của nhân loại), đền Mẫu Thường Ngàn, tại đây còn được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà – hứa hẹn một thay đổi đột phá về kinh tế du lịch.
Chặng đường lịch sử 120 năm, Yên Bái đi từ nghèo khổ, lầm than, lạc hậu, mù chữ, tưởng chừng như không lối thoát, đã chạm đích tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Từ một chi bộ ban đầu với 3 đảng viên, nay Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã có gần 500 tổ chức cơ sở Đảng, trên 2.600 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với gần 6 vạn đảng viên, cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang từng ngày làm “thay da đổi thịt" cuộc sống, vững vàng cùng cả nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Yên Bái đã được phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Hồ Chí Minh; 263 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; 31 tập thể, 06 cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; hàng chục tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”, hàng ngàn tập thể, cá nhân được nhận huân, huy chương và rất nhiều phần thưởng cao quí khác vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Yên Bái đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Sáng nay, 30/6/2020, Yên Bái tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh và 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh. Tham dự lễ kỷ niệm có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành TƯ.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, khẳng định những thành tích đạt được là đáng trân trọng và phấn khởi, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế vốn có của một tỉnh miền núi, đa dân tộc. Yên Bái đang quyết tâm phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, phấn đấu vươn lên nhóm các tỉnh hàng đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, để nhân dân các dân tộc trong tỉnh có cuộc sống ngày càng hạnh phúc, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Cũng trong sáng nay tại buổi lễ, Yên Bái đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất - phần thưởng vinh quang, cao quý, khẳng định, ghi nhận, biểu dương thành tựu to lớn, hiện hữu từ sự nỗ lực vượt bậc, đoàn kết, bản lĩnh, ý chí, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phấn đấu vượt qua ngàn trùng khó khăn, vươn lên mạnh mẽ của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.