Covid-19: Australia phong tỏa nhiều khu vực
Chính quyền Australia hôm 30/6 đã ra chỉ thị áp lệnh phong tỏa đối với 36 vùng ngoại thành ở thành phố lớn thứ hai nước này, Melbourne, trong nỗ lực ngăn chặn đà tăng đột biến số ca nhiễm virus corona chủng mới. Động thái đưa ra giữa lúc nhiều khu vực khác đãng gỡ bỏ dần hạn chế.

Ổ dịch ở bang Victoria
Theo đó, bắt đầu từ nửa đêm ngày 1/7, lệnh hạn chế ra khỏi nhà sẽ được áp dụng đối với khoảng 320.000 người dân; Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews nói trong một cuộc họp báo tổ chức hôm thứ Ba. Người dân ở các vùng ngoại thành cần phải ở yên trong nhà chỉ ngoại trừ đi làm, đi học, đi tới các cơ sở y tế, tập thể dục hoặc mua thực phẩm. Lệnh được áp dụng trong vòng 4 tuần lễ.
Các quán cà phê, nhà hàng sẽ chỉ được bán đồ mang đi. Được biết, các cơ sở kinh doanh này mới chỉ trở lại hoạt động được vài tuần, theo kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế trên phạm vi toàn quốc gia.
Chính quyền bang Victoria cũng yêu cầu tất cả các chuyến bay phải chuyển hướng tới các bang khác nhằm ngăn chặn nguy cơ tiếp nhận phải người nhiễm Covid-19 từ các bang khác.
“Nếu chúng ta không thực hiện các bước đi này, chúng ta sẽ đi đến kết cục là phải phong tỏa tất cả các khu vực” - ông Andrews nói- “Người dân đang rất mong muốn tình trạng này qua đi, nhưng tôi mới là người mong như vậy nhất”.
Việc áp dụng trở lại lệnh phong tỏa là một bước lùi nghiêm trọng đối với bang có dân số lên tới 25 triệu người của Australia. Victoria từng được xem là bang đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn đà lây lan của virus corona chủng mới, khi mà Australia bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa vào tháng 3.
Nhưng dù cho phần lớn các bang của Australia không ghi nhận thêm hoặc ghi nhận số ca nhiễm chỉ 1 con số trong suốt nhiều tuần qua, Victoria lại báo cáo số ca nhiễm mới ở mức 2 con số trong suốt 14 ngày vừa qua, đẩy số ca nhiễm của toàn quốc lên mức cao nhất kể từ hồi tháng 4.
Trong vòng 24 giờ trước ngày 30/6, Victoria ghi nhận 64 ca nhiễm mới Covid-19, giảm so với con số 75 ca so với ngày trước đó. Để so sánh, bang lân cận và cũng là bang đông dân nhất New South Wales và bang đông dân thứ ba Queensland đều không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Australia hiện có 104 ca tử vong do Covid-19 và 7.800 ca nhiễm.
Chính quyền bang Victoria hiện đang nhận được sự hỗ trợ từ các nhân viên quốc phòng và nhân viên y tế liên bang, trong đó nhiều đội ngũ công tác đi đến gõ cửa từng nhà dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng để yêu cầu người dân đi xét nghiệm Covid-19-Thủ hiến Andrews cho hay.
Theo quy định mới được áp dụng trở lại, lực lượng cảnh sát ở các vùng ngoại thành bị phong tỏa sẽ phạt tiền bất cứ ai vi phạm quy định.
“Chúng tôi đã từng trải qua tình trạng này trước đây, và giờ chúng tôi lại phải trải qua nó một lần nữa”- Lambros Tapinos, Thị trưởng phụ trách một số khu vực bị phong tỏa nói với Reuters - “Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh địa phương, nhưng chúng tôi buộc phải làm vậy”.
Mở cửa có điều kiện
Bước thoái lui của chính quyền Victoria, trong khi đó, đi ngược lại với một số bang lân cận như South Australia và Queensland. Cả hai bang này đều công bố các kế hoạch mở cửa trở lại với các bang khác chỉ ngoại trừ bang Victoria, do quan ngại về số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao ở bang này.
“Chúng tôi đã làm việc rất nỗ lực để có được tình hình khá ổn như hiện nay, và chúng tôi không muốn trở lại tình trạng như trước” -Thủ hiến bang South Australia Steven Marshall nói trước báo giới.
Bang Queensland cho hay họ sẽ mở cửa trở lại với các bang khác trên khắp cả nước bắt đầu từ ngày 10/7, và chỉ ngoại trừ người đến từ bang Victoria, nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Queensland không chia sẻ đường biên với Victoria nhưng vẫn ra quy định rằng, những người đến từ các bang khác phải ký vào một biên bản trong đó nêu rõ họ chưa từng đến Victoria trong vòng 14 ngày qua. Những ai vi phạm quy định này sẽ chịu mức phạt 4.000 đôla Australia vì nói dối.
Bang New South Wales, tiếp giáp với Victoria, cho hay họ sẽ tiếp tục mở cửa đường biên, cùng lúc tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch.