Vở kịch 'Tình bạn và công lý': Tôn vinh người chiến sĩ Công an nhân dân

Cao Ngọc 01/07/2020 07:51

Vở diễn "Tình bạn và công lý" (tác giả kịch bản Minh Nguyệt, đạo diễn Hán Quang Tú) của Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng hướng tới Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an đã được công diễn vào trung tuần tháng 6 vừa qua. Tác phẩm khắc họa đậm nét và đề cao sự hi sinh của những chiến sĩ Công an nhân dân.

Một cảnh trong vở “Tình bạn và công lý”.

Như tên gọi, "Tình bạn và công lý" là câu chuyện ngọt ngào về tình đồng đội sống chết có nhau của 3 anh bộ đội Cụ Hồ những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt và sau đó là nỗi đau, sự lựa chọn đắng chát khi thực thi công lý vào thời bình. Họ cho nhau tình bạn trong sáng, sự hi sinh, sống chết có nhau đúng nghĩa.

Về với cuộc sống đời thường, Nam trở thành một tướng công an chỉ huy Cục Điều tra, Khánh lại là một doanh nhân thành đạt, Nghĩa về lại với đồng ruộng chân chất. Trong tâm thức của họ, ký ức và tình đồng đội thời chiến vĩnh viễn không thể chia cắt, cũng như những trận mưa bom bão đạn cũng không thể khiến họ rời bỏ nhau. Khánh luôn giúp đỡ bạn bè, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, chăm chút cho gia đình của đồng đội. Nghĩa sau mỗi vụ bội thu đều đem tới cho bạn mình những bao tải cam... Như để gắn kết hơn nữa, con của Khánh và Nam đem lòng yêu thương nhau.

Nhưng, cuộc sống luôn có những bất ngờ đầy thách thức, không kém phần ly kỳ,oái oăm. Khánh để vươn lên trên thương trường khắc nghiệt tay đã nhúng chàm. Án lại do Cục Điều tra của Nam thụ lý. Mọi cuộc đấu tranh nội tâm đều đè nặng lên vai người thủ trưởng của Cục. Áp lực từ tình cảm đồng đội bao năm, đồng thời cũng là người từng cứu mạng mình, giờ lại cứu giúp kinh tế gia đình công chức vốn eo hẹp, vợ mắc chứng bệnh mãn tính...

Nam sẽ xử sự ra sao? Buông tay, để giữ trọn tình cảm đồng chí đồng đội thiêng liêng hay làm đúng bổn phận, chức trách của người chiến sĩ Công an nhân dân? Vợ con anh ra sức thuyết phục, thậm chí lấy cái chết để cầu xin cho Khánh. Đồng đội cũng cúi đầu nhận tội. Nghĩa cũng cố gắng xin anh nghĩ lại... Cuối cùng, công lý vẫn phải đứng vững, dù Nam bị coi là tàn nhẫn trong mắt bạn bè, gia đình thì anh cũng phải bật khóc mà ký vào lệnh bắt giam Khánh để không trở thành tội đồ với Tổ quốc và nhân dân.

Vở diễn được đạo diễn dụng tâm khi cố gắng liên kết chặt chẽ tâm thức của ba người lính từng vào sinh ra tử có nhau. Mỗi cảnh phục hiện chiến tranh đều như lát cắt, vừa có ý nghĩa đưa thêm thông tin về tình bạn, tình đồng đội thiêng liêng luôn tồn tại và gắn kết không rời giữa họ với nhau, vừa giúp việc thay cảnh không bị ngắt quãng trên sàn diễn. Cách làm này tỏ ra khá sáng tạo, nhiều người thích thú, nhất là những bạn trẻ. Nhiều chi tiết đời thường cũng đi vào kịch nhuần nhuyễn như tâm sự của Nghĩa về nhà nông trong bối cảnh được mùa rớt giá, đời sống còn quá khó khăn, công sức bỏ ra nhiều mà lợi nhuận quá thấp. Hay cảnh Khánh cho tiền con trai để đi chơi với người yêu cũng rất đời...

Đa số các vở diễn về đề tài công an, như nhiều nghệ sĩ tâm sự, là công an thì phải gắn với phá án, với những mặt trái, tiêu cực ngày càng nhiều trong cuộc sống để rồi nhất định là họ, những chiến sĩ công an đứng vững trước tiêu cực thì mới ca ngợi, xây dựng được hình ảnh đẹp về họ. Sự căng cứng đó phần nào đã được khắc phục ở vở diễn này. Với một cốt truyện kịch khá hấp dẫn, chặt chẽ, được sự cố vấn của NSND Lê Hùng, vở diễn đã thu hút người xem, nhận được sự tán thưởng của số đông khán giả hôm tổng duyệt.

Bên cạnh đó, theo ý kiến đông đảo khán giả, vở diễn vẫn còn đôi chỗ cần sự đầu tư công phu hơn. Đó là phần trang trí còn chưa thật rõ nét không gian giữa nhà Khánh và nhà Nam, hai không gian chủ yếu trong vở diễn. Đôi màn phục hiện vẫn chưa thật thuần thục, ăn ý nên gây cảm giác vụn vặt...Nhìn chung đây thực sự là vở diễn sáng giá của sân khấu Lệ Ngọc khi đi vào đề tài khó, dễ bị khô cứng, một chiều. Việc hoạt động tích cực của sân khấu Lệ Ngọc là điểm sáng trong bối cảnh xã hội còn chưa hoàn toàn trở lại nhịp sống bình thường, là nốt son của sân khấu xã hội hóa tại Thủ đô hiện nay.

Cao Ngọc