Thái độ cầm chừng làm chậm giải ngân
Chiều ngày 29/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện TP HCM đang triển khai thực hiện 6 dự án nhóm A và 3 dự án nhóm B với tổng vốn đầu tư trên 122.567 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 102.732 tỷ đồng và vốn đối ứng là 19.835 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lý giải nguyên nhân việc giải ngân còn thấp, ông Hoan cho rằng một số dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện như dự án phát triển giao thông xanh, vệ sinh môi trường, mở rộng mạng lưới cấp nước. Trong đó, các dự án metro số 1 và số 2 mới được phê duyệt điều chỉnh dự án và kế hoạch lựu chọn nhà thầu nên đang trong quá trình tổ chức đấu thầu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể hoàn tất các thủ tục cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại TP HCM.
Phát biểu của ông Hoan cũng dễ hiểu vì địa phương nào cũng nêu lý do do Covid-19 nên giải ngân chậm - cũng có nghĩa là đưa vốn vào phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn. Nhưng, đó có phải là nguyên nhân chính khi đưa vốn vào hồi phục phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 hay không lại là chuyện khác. Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm, tỉ lệ giải ngân vốn vay ODA (tại TP HCM) chỉ đạt 10,31% trong khi tỉ lệ giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương đạt khoảng trên 20%.
Câu chuyện giải ngân dòng vốn không phải là chuyện mới, nhưng đáng tiếc là nóvẫn dai dẳng, không chỉ là dòng vốn ODA mà nhìn rộng hơn ra là cả nguồn vốn đầu tư công từ Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đến hết tháng 5 đạt hơn 122.240 tỷ đồng, bằng khoảng 26% kế hoạch. Tình hình giải ngân còn rất chậm với lượng vốn đang chờ giải ngân lên tới hơn 577.000 tỷ đồng. Về tiến độ giải ngân, 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 30%.
Đáng chú ý Hội Nhà văn Việt Nam có tỉ lệ giải ngân cao nhất lên tới trên 93%, Ninh Bình 66,6%, Ngân hàng Phát triển 61%, Hưng Yên 50%, Thá iBình 48%... Trong khi đó 18 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Riêng đối với khoảng 21.700 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài, hết 5 tháng có tới 11 bộ, ngành và 33 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 2% kế hoạch giao.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn là do ở khâu thủ tục kéo dài suốt bao nhiêu năm nay qua như duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, giao kế hoạch vốn chậm... hoặc là giải phóng mặt bằng. Có nghĩa là lý do cũ vẫn luôn áp dụng vào tình hình mới.
Tới đây, câu chuyện giải ngân dòng vốn cần phải được nhìn nhận ở khía cạnh khác, khi mà về cơ bản Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19, bước sang giai đoạn phục hồi và tăng tốc phát triển kình tế-xã hội, thực hiện mục tiêu kép.
Đáng lưu ý, tiền “trong bao” có, nhưng sử dụng như thế nào, mới là câu chuyện phải bàn; khi mà cả dòng tiền từ bên ngoài (trong đó có dòng vốn ODA) và dòng tiền của Chính phủ.
Khi đất nước còn nghèo, hội nhập chưa sâu rộng, có được chút tiền đầu tư là rất khó. Nhưng nay câu chuyện đã khác: có tiền nhưng đầu tư vào đâu, đầu tư thế nào để nhanh chóng sinh lợi, để phục vụ ngay cho cuộc sống lại là chuyện phải bàn.
Theo giới chuyên gia, không hẳn có tiền đã đầu tư hiệu quả vào nền kinh tế, vì rằng vướng nhiều rào cản, trong đó có rào cản “sợ sai”. Khi được phân bổ nguồn tiền, không ít bộ, ngành, địa phương không dám giải ngân thông qua các dự án vì “lành ít dữ nhiều”. Đó là thái độ cầm chừng, nhìn trước ngó sau, nhìn phải nhìn trái, nhìn trên nhìn dưới; nhất là Đại hội Đảng khóa XIII đang đến gần. Sợ sai, dù không nói ra nhưng đó là một thực tế, khiến việc mạnh dạn phát triển kinh tế - xã hội bị chựng lại.
Cũng cần nhắc lại, không ít lần Chính phủ coi kết quả giải ngân dự án đầu tư công là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và nếu các bộ ngành, địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch sẽ bị cắt giảm, điều chỉnh vốn (nội dung được nêu trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ vừa gửi tới các địa phương và bộ ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, tháng 5/2020).
Cụ thể: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2020 có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn cho các bộ, cơ quan, địa phương khác”- văn bản của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.