Người dân Nga tại Việt Nam đi bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga
Tại Việt Nam, ngoài Hà Nội còn có Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nơi có cơ quan đại diện ngoại gia của Nga tại Việt Nam, cũng là hai địa điểm tiếp nhận phiếu bầu của công dân Nga.
Ngày 1/7, các công dân Nga, bao gồm những người đang sinh sống, học tập và làm việc ở Việt Nam cũng như khách du lịch đang bị mắc kẹt lại Việt Nam do dịch COVID-19, đã đến bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp tại trụ sở Đại sứ quán Nga ở Hà Nội.
Tại Việt Nam, ngoài Hà Nội còn có Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nơi có cơ quan đại diện ngoại gia của Nga tại Việt Nam, cũng là hai địa điểm tiếp nhận phiếu bầu của công dân Nga.
Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, do Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đề xuất hồi tháng 1/2020, ban đầu dự kiến được tổ chức vào ngày 22/4 song đã bị hoãn do dịch Covid-19.
Sau đó, tình hình dịch bệnh có chiều hướng thuyên giảm, cuộc bỏ phiếu được tổ chức lại vào ngày 1/7, nhưng nhiều điểm bỏ phiếu đã mở từ 25/6 nhằm tránh tập trung đông người, hôm nay là ngày bỏ phiếu chính.
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov, tính đến hết ngày 30/6, đã có hơn 40% người dân Nga đi bỏ phiếu, tỷ lệ tương đối cao.
Ở Nga, ngày bỏ phiếu chính là ngày nghỉ, song tại Việt Nam vẫn là ngày làm việc, do đó để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho công dân Nga, các điểm bỏ phiếu tại Việt Nam sẽ mở cửa đến 20 giờ cùng ngày.
Cũng theo Đại sứ K.Vnukov, dự thảo Hiến pháp mới của Nga bao gồm hơn 200 điểm sửa đổi bao trùm nhiều lĩnh vực trong hệ thống chính trị của đất nước như tăng cường các biện pháp bảo trợ xã hội; tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước, Duma Quốc gia (Hạ viện), Hội đồng Liên bang (Thượng viện)…
Ngoài ra, trong lần sửa đổi này, vai trò của cương vị tổng thống cũng bị siết chặt, theo đó áp dụng thêm nhiều điều khoản mới, quyền lực bị giảm, nhưng xóa bỏ số lượng các nhiệm kỳ tổng thống đối với các cựu tổng thống và tổng thống đương nhiệm.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc đương kim Tổng thống Vladimir Putin có quyền ra tranh cử lại vào năm 2024, nếu bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi được thông qua.
Sau khi quá trình bỏ phiếu hoàn tất, nếu dự thảo Hiến pháp nhận được số phiếu ủng hộ quá bán, tức là hơn 50% số phiếu ủng hộ, các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.