Những chính sách có hiệu lực trong tháng 7
Tháng 7/2020, có 12 luật chính thức có hiệu lực thi hành, theo đó sẽ có nhiều thay đổi nổi bật như: Lương công chức, viên chức; vị trí việc làm và biên chế; tăng mức giảm trừ gia cảnh…
12 luật chính thức có hiệu lực
Tại các Kỳ họp thứ 6, 7, 8, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn 12 luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Trong đó gồm: Luật Quản lý thuế 2019; Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018; Luật Dân quân tự vệ 2019; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019; Luật Giáo dục 2019; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019; Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019; Luật Lực lượng dự bị động viên 2019; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019; Luật Thư viện 2019; Luật Kiến trúc 2019.
Lương công chức, viên chức có nhiều thay đổi
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Theo đó có nhiều chính sách quy định về việc làm của cán bộ, công chức, viên chức thay đổi, đáng chú ý là sự thay đổi về lương của công chức, viên chức.
Cụ thể, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,công chức và Luật Viên chức năm 2019 chỉ có 3 trường hợp biên chế suốt đời, được áp dụng với các trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước 1/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quy định tại Luật Viên chức 2010, Hợp đồng làm việc xác định thời hạn có hiệu lực trong thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Tuy nhiên, trong Luật Sửa đổi, bổ sung 2019, hợp đồng này được kéo dài trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Bổ sung thêm 2 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển: Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa tăng lương cơ sở là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước.
Như vậy, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lương hưu vẫn giữ ở mức 1.490.000 đồng/tháng, cùng với đó là các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.
Mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.