Ẩn họa từ hồ đập xuống cấp
Theo Bộ NNPTNT, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Báo cáo của các địa phương và rà soát của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho thấy, hiện cả nước còn 1.648 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ. Theo đó, ẩn họa từ các đập, hồ chứa gặp sự cố gây mất an toàn cho người dân là hiện hữu, đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng trong mùa mưa bão sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết: Đa phần số lượng hồ, đập xuống cấp và hư hỏng tập trung ở nhóm hồ vừa và nhỏ. Những công trình thủy lợi này chủ yếu được xây dựng và đầu tư từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hạn chế về mặt kỹ thuật, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp nên việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa tự chủ được kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng.
“Do đó, giải pháp tạm thời đối với những công trình này là đẩy nhanh tiến độ tu sửa bằng kinh phí của các dự án hỗ trợ, sớm hoàn thiện nhằm đảm bảo chất lượng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ cấp bách để sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho nhiều địa phương khó khăn, miền núi...” - ông Tỉnh chia sẻ.
Dẫu vậy, thực trạng quản lý, vận hành yếu kém vẫn là vấn đề đặt ra. Đơn cử, thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này đang có đến hơn 100 đập nước hỏng hóc hoặc gặp sự cố.
Trước đó, mùa mưa 2019, 3 đập nước ở hồ đội 6 (huyện Ea Súp) đã gặp phải sự cố nghiêm trọng, nước đã tràn qua đập làm hỏng mặt đập, gây sạt lở ở một số vị trí khiến cho hàng trăm hộ dân trong vùng bất an. Cùng với đó, tổng số 62 hồ nước đang bị hư hỏng xuống cấp thì các công trình có quy mô vừa và lớn chiếm đến hơn một nửa.
Thực trạng này cho thấy vấn đề vận hành, bảo trì bảo dưỡng các công trình thủy lợi của các doanh nghiệp và chính quyền một số địa phương có nhiều thiếu sót.
Để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa bão và trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, theo Bộ NNPTNT, nhiệm vụ trọng tâm nhất được đưa ra là phân cấp quản lý các đập, hồ chứa trên địa bàn phù hợp với năng lực của đơn vị quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các đập, hồ chứa, trong đó tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm tra đánh giá chuyên sâu công trình (khảo sát phát hiện ẩn họa như thấm, mối, khoang rồng, thoát không...).
Đồng thời nghiên cứu các giải pháp khắc phục kịp thời các hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn công trình, thành lập hội đồng tư vấn an toàn đập ở các địa phương, huy động lực lượng tư vấn hỗ trợ hội đồng trong việc đánh giá mức độ an toàn của công trình. Tăng cường công tác nghiên cứu ứng công nghệ 4.0 và hợp tác quốc tế, tổ chức các Hội thảo an toàn đập. Tổng hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát, vận hành hồ chứa.