Hợp sức chống tin giả

Đình Tú 02/07/2020 09:10

Theo Liên hợp quốc, tin giả (fake news) đang hoành hành toàn cầu có thể tạo thành những nguy cơ xuyên quốc gia. Một chiến dịch mới và quy mô lớn nhằm chống tin giả được cơ quan đứng đầu quốc tế phát động vào đầu tuần qua nhân Ngày Truyền thông xã hội, 30/6.

Sáng kiến của LHQ mang tên “Kiểm chứng” với mục đích chống tin giả toàn cầu.

“Đại dịch” tin giả

Bắt đầu phổ biến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tin giả đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Một trong những khu vực hiện bị tác động nhiều nhất của nạn tin giả là châu Á và khu vực Đông - Nam Á.

Theo Reuters, Indonesia là quốc gia có 255 triệu dân, trong đó có tới 130 triệu người sử dụng internet. Hồi đầu tháng 3/2018, cảnh sát nước này đã phát hiện và bắt giữ những kẻ lập ra nhóm mang tên Gia đình mạng quân đội Hồi giáo (MCA), chuyên sản xuất tin tức giả mạo nhằm bôi xấu lãnh đạo, gây bất ổn chính trị và thậm chí làm nhiễu thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.

Trong khi đó, tại Singapore cũng đang chịu cảnh "virút tin giả” tràn lan mọi ngõ ngách. “Khoảng 60% người Singapore truy cập tin tức thông qua Facebook, 53% thông qua các mạng xã hội khác và 52% thông qua các trang tin tức. Tuy nhiên, hơn 70% người dân Singapore tuyên bố thường gặp tin giả trên mạng”- theo Đài Channel News Asia.

Luật mới thông qua của nước này sẽ trao cho chính phủ đảo quốc sư tử quyền xử lý với những kẻ tung tin giả mạnh tay hơn. Theo đó, Chính phủ Singapore có thể yêu cầu các nền tảng trực tuyến gỡ xuống những thông tin sai lệch vi phạm quy định và đăng tin cải chính. Trong số các biện pháp có khoản phạt lên tới 1 triệu đôla Singapore (hơn 17 tỉ đồng) và mức tù tối đa 10 năm đối với các trường hợp lan truyền tin giả nghiêm trọng nhất.

Tại Thái Lan, trong thời gian tổng tuyển cử tháng 3/2019, cảnh sát đã bắt giữ 9 người vì chia sẻ tin tức giả trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, những kẻ này tung tin rằng hai ủy viên bầu cử đã bị cách chức, 600.000 phiếu bầu bất hợp pháp đã được trộn vào số phiếu bầu cử. Những kẻ này sau đó bị buộc tội theo Luật Tội phạm máy tính vì “chia sẻ hoặc đưa thông tin sai lệch”. Các bị cáo phải đối mặt án tù 5 năm và phạt tiền tới 3.100 USD.

Thông tin sai lệch phát tán nhanh hơn virus

Trước nguy cơ lây lan toàn cầu, tháng 9/2019, tổng cộng 20 quốc gia, trong đó có Pháp, Anh và Ấn Độ, đã ký kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn hành vi lan truyền tin tức giả mạo trực tuyến. Ngoại trưởng Pháp Jean - Yves Le Drian nhấn mạnh sự xuất hiện của không gian kỹ thuật số toàn cầu đang làm thay đổi thế giới thông tin, mang lại nhiều tiến bộ song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Không thể ngăn chặn đại dịch này nếu không có cơ quan đứng đầu và sự chung sức của tất cả các quốc gia trên thế giới”- ông Yves Le Drian nói. Và dưới tác động của hàng chục các quốc gia thành viên, cuối cùng LHQ, cơ quan quyền lực nhất thế giới cũng đã vào cuộc.

Chiến dịch của Liên hợp quốc (LHQ) mang tên "Pause“ (Hãy dừng lại) đã triển khai các biện pháp kêu gọi “những người sử dụng các nền tảng số hóa tạm dừng lại để suy nghĩ về thông tin mà họ định chia sẻ trước khi đăng tải lên mạng”.

Đây cũng là một phần trong sáng kiến có quy mô rộng hơn của LHQ mang tên “Kiểm chứng” (Verified) khởi động từ tháng 5 vừa qua nhằm tăng lượng thông tin chính xác và đáng tin cậy với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Đến nay, sáng kiến này đã thu hút trên 10.000 tình nguyện viên và mỗi tuần tăng khoảng 10%. Tính đến giữa tháng 6 vừa qua, trên 130 nước thành viên LHQ đã ủng hộ sáng kiến này.

Thông cáo báo chí của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Thông tin sai lệch đang phát tán nhanh hơn virus và đang cản trở nghiêm trọng các nỗ lực y tế công bằng việc xuyên tạc một cách nguy hiểm những chỉ dẫn khoa học đúng đắn”. Thông điệp “Hãy dừng lại” mà LHQ đưa ra nhằm khuyến khích người sử dụng mạng lưu tâm trước khi chia sẻ rộng rãi thông tin.

Theo các cơ quan thống kê của LHQ, ngay sau khi phát động, hàng loạt hãng truyền thông trên khắp thế giới, trong đó có Al Jazeera, Deutsche Welle, Euronews, StarTimes... đã quảng bá rộng rãi chiến dịch này trên các kênh truyền hình, trực tuyến và qua tin nhắn. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google (YouTube) cũng cam kết quảng bá chiến dịch, đồng thời bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy các nỗ lực hiện tại của họ nhằm ngăn chặn hành vi phát tán tin giả.

Đình Tú