Dân chủ hóa công tác cán bộ
Kiên quyết không để lọt những kẻ chạy chức, chạy quyền, đức kém, tài kém vào Đảng, vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, càng lên cao càng hết sức tránh.
Ngay từ bây giờ, công tác cán bộ càng phải đẩy mạnh hơn bao giờ hết, đại hội Đảng cấp tỉnh, thành phố đang được các địa phương gấp rút chuẩn bị. Bằng mọi giá phải thực hiện bằng được quyết tâm như Đảng đã nêu lên: Kiên quyết không để lọt những kẻ chạy chức, chạy quyền, đức kém, tài kém vào Đảng, vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, càng lên cao càng hết sức tránh. Đổi mới trước hết phải đổi mới công tác cán bộ vì khi đại hội Đảng đã có đường lối chính trị thì việc đưa đường lối đó vào cuộc sống, vấn đề cán bộ thực thi đường lối đó giữ vai trò quyết định. Bởi vậy giải quyết tốt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng cán bộ là vấn đề chiến lược, một vấn đề trọng đại quyết định lợi ích lâu dài, sự tồn vong của đất nước.
Dân chủ hóa công tác cán bộ là nguyện vọng, là yêu cầu chính đáng của toàn dân, mỗi lần có đại hội Đảng, các tầng lớp nhân dân kể cả đông đảo cán bộ rất quan tâm đến công tác cán bộ, rất cần thực hiện dân chủ hóa công tác cán bộ mới có thể phát hiện cán bộ có đức có tài. Những người chịu sự lãnh đạo phải được tham gia ý kiến ngay từ quá trình chuẩn bị lựa chọn người sẽ lãnh đạo mình. Thực hiện điều đó chính là làm đúng đường lối, quan điểm của Đảng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bao gồm cả công tác cán bộ, phải phát huy dân chủ, hết sức lắng nghe dư luận, tiếp thu ý kiến của quần chúng mới đánh giá đúng đắn cán bộ.
Có quan niệm cho rằng công tác cán bộ là việc bí mật chỉ một số người làm, không thể công khai hỏi ý kiến rộng rãi được vì dễ sinh ra phức tạp. Công tác cán bộ ít người làm, càng kín tiếng càng là đất mầu mỡ cho bọn buôn quan bán chức tung hoành, bọn con ông cháu cha kém đức tài ngoi lên chức này, chức nọ. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI, Tổng Bí thư Trường Chinh đã giương cao ngọn cờ Đổi mới, kiên quyết bác bỏ quan niệm bảo thủ đó và cho rằng sự thật dù sao cuối cùng vẫn phải ra quyết định và mọi người đều biết. Nếu để lúc công bố công khai mới nhận được hàng nghìn, hàng vạn ý kiến không tán thành của đa số những người dưới quyền thì bấy giờ sẽ xử lý ra sao?
Phải đổi mới tư duy trong công tác cán bộ, trước hết là trách nhiệm và đánh giá đội ngũ cán bộ hiện nay. Muốn làm tốt vấn đề, điều quan trọng là dựa vào nhân dân và chính đông đảo nhân dân sẽ tiến cử với Đảng những người có đủ đức đủ tài mà Đảng chưa nhìn rõ. Cũng chính nhân dân sẽ giúp Đảng phát hiện những người không xứng đáng một cách chính xác. Dân chủ hóa công tác cán bộ là cách làm đúng đắn mà Đảng cần thực hiện.
Trong cuốn sách “Trường Chinh với hành trình đổi mới tư duy” do giáo sư Trần Nhâm, trợ lý của ông ghi lại, có đoạn về công tác cán bộ rất đáng chú ý xin được nhắc lại: “Kiểu tư duy cũ được ông Trường Chinh chỉ rõ đã dẫn đến hậu quả ngày nay nước ta có vấn đề thiếu hụt nhân tài vừa có hiện tượng lãng phí nhân tài hoặc tài cao mà dùng thấp hoặc tài lớn mà dùng nhỏ hoặc dùng không đúng sở trường, không đúng ngành nghề đào tạo hoặc không phát huy đầy đủ năng lực trí tuệ của nhân tài hoặc không tạo điều kiện và môi trường công tác để cho cán bộ thi thố hết tài năng của mình trong thực tiễn. Ông còn nhấn mạnh trong mấy thập kỷ gần đây với việc tìm người sử dụng cán bộ, chúng ta đã chịu ảnh hưởng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp khá nặng nề làm cho vấn đề sử dụng nhân tài không thể nào cởi trói ra được.
Tại sao lại có tình hình như vậy? Ông phân tích đó là do những nhận thức không đúng đắn trong việc phát hiện, đào tạo và đề bạt cán bộ, sử dụng nhân tài. Mặt khác cũng do tư tưởng chỉ đạo không rõ ràng, chỉ nhấn mạnh quá trình công tác của cán bộ mà ít quan tâm đến tài năng, trí tuệ của cán bộ, chỉ chú trọng một cách phiến diện mặt đức mà coi nhẹ mặt tài của họ, chỉ coi trọng cán bộ công nông mà kỳ thị cán bộ trí thức, chỉ đề cao phần xuất thân và chủ nghĩa lý lịch mà hạ thấp biểu hiện thực tế và tiền đồ phát triển của cán bộ” (trang 212).
Bàn đến công tác cán bộ, đồng chí Trường Chinh dẫn ra câu nói của Nguyễn Trãi: Đất nước tuy mạnh, yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có.
Đồng chí Trường Chinh đã đưa ra quan niệm của mình về Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền không có nghĩa là Đảng nắm tất cả, làm thay tất cả. Đảng chỉ là người lãnh đạo mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân mới là người cầm quyền thực sự. Đồng chí dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: Chế độ ta là chế độ mà mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới, kháng chiến, kiến quốc là việc của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ Trung ương đến xã do nhân dân tổ chức nên. Đảng Cộng sản là người lãnh đạo, còn sự nghiệp cách mạng có thắng lợi hay không, thắng lợi lớn hay nhỏ là do quần chúng.
Chúng ta vẫn thường nói cách mạng là sự nghiệp của quần chúng (bao gồm cả công tác cán bộ). Xã hội ta đang đổi mới nên công tác tổ chức và cán bộ cũng phải đổi mới theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác cán bộ không chỉ giao cho một cơ quan hay một số người mà phải sử dụng đầy đủ bộ máy của Đảng làm tham mưu theo đúng Điều lệ Đảng và Quy chế của Ban Chấp hành Trung ương làm sao bảo đảm cho việc xem xét, bố trí cán bộ được đúng đắn, hạn chế đến mức tối thiểu những sơ xuất trong công tác cán bộ.
Cần phải tiếp tực thực hiện dân chủ hóa công tác cán bộ, tiến hành công khai theo đúng nguyên tắc những người làm công tác cán bộ cần dành thời gian gần các tầng lớp nhân dân, lắng nghe dân mới có thể nắm chắc được đức và tài của cán bộ và lãnh đạo các cấp.
Mọi nhân tài đều được trọng dụng đúng sở trường, đúng ngành nghề và chỉ như vậy mới phát huy được sức mạnh vĩ đại của nhân tài.