Tìm cơ hội cho phim hoạt hình

Minh Quân 02/07/2020 08:30

Phim hoạt hình Việt Nam trong những năm qua sống trong cảnh “lay lắt”, khó tìm đầu ra. Bên cạnh việc khó cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài còn là những “tụt hậu” về khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Phim hoạt hình Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà.

Theo số liệu thống kê, trong nhiều năm qua số lượng phim hoạt hình Việt Nam được chiếu rạp, phát sóng trên truyền hình, mạng xã hội… thu hút được khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu “điểm danh” có thể kể đến các bộ phim như “Con rồng cháu Tiên”, “Truyền thuyết gươm thần”, “Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt”, “Dưới bóng cây”... Nhưng đây cũng chỉ những bộ phim hoạt hình Việt Nam “hiếm hoi” đạt số lượng người xem lớn khi được chiếu trên kênh giải trí trực tuyến Youtube.

Thực tế, về mặt bằng chung thì phim hoạt hình Việt Nam vẫn đang sống “lay lắt”, khó tìm được chỗ đứng trên sân nhà. Đơn cử, ở lĩnh vực phim hoạt hình chiếu rạp để tạo ra được nguồn thu ở lĩnh vực này từ lâu đã là điều không tưởng. Bởi, ở đó thị trường phim hoạt hình chiếu rạp hiện nay là sự “độc quyền” của các hãng điện ảnh quốc tế, trong đó Hãng Hollywood luôn nhận được sự hâm mộ của khán giả. Có chăng phim hoạt hình Việt Nam chỉ được trình chiếu miễn phí trong các sự kiện đặc biệt của đất nước.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực truyền hình, thì từ thị hiếu đến nhu cầu của khán giả là những sản phẩm công nghệ cao mà dường như với phim hoạt hình Việt khó lòng mà đáp ứng được. Thực tế, chính nhiều phụ huynh khi quan sát con xem các sản phẩm phim hoạt hình của Việt Nam đều cho rằng các bộ phim không hấp dẫn bởi nội dung quá khô khan, nặng nề về răn dạy, triết lý những vấn đề xã hội lớn lao mà thiếu chất hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, còn tính khoa trương, phi lý… Thậm chí ngay chính nhiều “bạn nhỏ” khi xem các sản phẩm của Việt Nam đều nhanh chóng “chuyển kênh”. Sự lựa chọn của khán giả truyền hình, đặc biệt là các em nhỏ nhiều năm qua vẫn là những bộ phim hoạt hình vui nhộn của Cartoon Networks, Disney Channel…

Có thể nói, với số lượng phim ít ỏi, nội dung chưa hấp dẫn, những hạn chế về mặt phương tiện, kỹ thuật, truyền thông... là những lý do khiến hoạt hình Việt Nam khó lòng đến được với công chúng. Nhìn nhận về vấn đề này, đạo diễn, NSND Hà Bắc bày tỏ, trong nhiều năm trở lại đây chúng ta chỉ đang tự khen nhau, vẫn cứ dồn tiền để làm những bộ phim theo một kiểu vui vui không lắng đọng được nhiều ý nghĩa sâu xa hay đơn thuần chỉ là đáp ứng tính giải trí của khán giả.

Đạo diễn Hà Bắc cũng bày tỏ: Nói “sâu cay” hơn với tình hình hiện nay sẽ có rất xa nữa, Việt Nam mới có tên trên bản đồ thế giới khi nói về thể loại này. Tôi đã từng mất nhiều công sức, lấy sự ảnh hưởng của mình để giới thiệu phim hoạt hình Việt Nam đến với Hiệp hội làm phim hoạt hình trên thế giới, nhưng tựu trung phim của ta vẫn “nhạt toẹt”, quá xa đường quốc lộ. Nếu không tự học hỏi, vươn lên mà cứ mãi tự “ru ngủ” thì chúng ta sẽ mãi mãi đứng một chỗ nhìn xã hội phát triển.

Sự trì trệ này cho thấy, phim hoạt hình Việt Nam sẽ còn mất một khoảng thời gian dài nữa mới có thể “bứt phá” để đáp ứng được thị hiếu của khán giả. Ngay ở vấn đề mấu chốt là “kinh phí” vốn đã là điều không tưởng. Theo chia sẻ của nhiều nhà làm phim để sản xuất ra được một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, muốn cập nhật những thiết bị mới nhất, công nghệ 3D tiên tiến nhất, người đầu tư cần phải có tiền tỷ. Trong điều kiện tối thiểu nhất cũng phải mất khoảng 100 - 200 triệu đồng để hoàn thành một phim truyện hoạt hình 3D dài 5-7 phút. Do vậy, dù biết sân chơi này còn trống và béo bở, không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ tiền tỷ để làm, bởi rủi ro rất lớn. Đấy là một lỗ hổng và nỗi buồn của phim hoạt hình Việt mà người làm nghề cũng như công chúng đã nhận diện từ được từ lâu.

Ngoài ra, một trong những bất cập chính về mặt cơ chế là phim hoạt hình chỉ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước mà chủ yếu do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (giai đoạn trước đây) và hiện nay là Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thực hiện. Mỗi năm, số lượng phim sản xuất được thường chỉ áp “định mức” một số lượng phim nhất định. Đáng nói là, những bộ phim này sản xuất xong chủ yếu được mang đi tranh giải tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, ít khi được phổ biến rộng rãi trong nước. Khán giả Việt Nam hầu như biết rất ít thông tin về các bộ phim hoạt hình trong nước sản xuất, cũng như các kênh có thể xem thường bị hạn chế.

Để sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp là một trong những mục tiêu lớn của những nhà làm phim hoạt hình Việt Nam và cũng là mơ ước của bất kỳ nhóm sản xuất phim hoạt hình nào. Để thực hiện mục tiêu này, còn rất nhiều thách thức về cả kinh phí lẫn các nhân tố như: Quy trình làm việc với các rạp, đổi mới kịch bản, kỹ thuật, phương tiện, con người... Tuy nhiên, các nhà sản xuất và đơn vị kinh doanh đều khẳng định đây là hướng đi lâu dài và cần thiết để hoạt hình Việt Nam có thể phát triển, đáp ứng thị trường trong nước cũng như cạnh tranh với phim hoạt hình do nước ngoài sản xuất

Đạo diễn, họa sĩ Vũ Duy Khánh, Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết: Ước mơ làm phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp là ước mơ của rất nhiều thế hệ người làm phim hoạt hình chứ không chỉ riêng tôi. Một bộ phim ra rạp để khán giả đón nhận phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cả về nội dung và hình thức. Đề tài phim ra rạp phải khai thác từ chính khán giả, họ cần xem những gì và mong muốn phim hoạt hình thể hiện được điều gì.

Theo họa sĩ Vũ Duy Khánh, ở Việt Nam nếu muốn làm được phim ra rạp, phải đầu tư có chiều sâu với một ekip đông đảo được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, phải có một nguồn kinh phí dồi dào từ các nhà đầu tư, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất để cải thiện chất lượng hình ảnh đạt chuẩn quốc tế. Nếu muốn khán giả đến rạp xem phim hoạt hình “made in Việt Nam”, chính chúng ta phải làm khác và lạ so với hoạt hình thế giới nói chung, làm mới hơn và sáng tạo hơn. Điều đó mới có thể là niềm hy vọng vào phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp.

Minh Quân