Chê người khác xấu bị xử phạt, có gì đáng buồn cười
Mặc nhiên coi chuyện đem khiếm khuyết cơ thể người khác là bình phẩm là chuyện bình thường, dẫn đến cái sự cười cợt khi có quy định xử phạt về việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Có một câu chuyện chả biết thực hư thế nào nhưng vẫn được lưu truyền trong giới ngôn ngữ. Một hôm bà vợ người Nga của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đi về một vùng nông thôn, đi qua mấy người dân làng, thì nghe thấy người ta bình luận: Khiếp bà Tây kia béo quá! Phu nhân nhà ngôn ngữ hàng đầu Việt Nam bèn quay lại nhả từng chữ: Vâng, chị thì đẹp!
Chuyện này các thầy dạy ngôn ngữ trong trường Tổng hợp (cũ) hay kể để nói về sự phong phú của tiếng Việt, một câu khẳng định, nhưng khi sử dụng được ngữ điệu thì trở thành một câu trả lời mang ý nghĩa khác.
Nhưng chuyện này làm tôi nhớ hồi bé xem tivi tập thể (những năm nhiều nhà mới có một cái tivi) thì vẫn nghe xung quanh thản nhiên bình luận về mấy cô diễn viên, cách gọi phổ biến nhất là “con nọ”, “con kia”. Không khí ấy, ngôn ngữ ấy ngấm vào đám trẻ con trong làng, có cảm giác gọi diễn viên là “con” gì đấy hình như là cách rất bình thường.
Cũng hồi bé ấy, trưa hè, các mợ, các chị sau buổi làm đồng về thường tụ tập ở nhà ai đó, hoặc chỗ mát dưới gốc cây, phe phẩy quạt nan, tranh thủ làm hàng thủ công mỹ nghệ và ... bình luận về người khác. Chê cô nào trong làng gầy quá, cô kia béo quá, con này lẳng lơ, con khác xấu chả thằng nào thích. Hôm ấy trong làng mà có cô nào chửa trước khi cưới hoặc không chồng mà chửa thì thôi rồi, chuyện vui phải biết...
Thói quen, tạm gọi là tính cách người Việt, thích chỉ trỏ, bình luận về người khác, thậm chí đem nhược điểm hình thể người khác ra bình phẩm, coi như một thú vui sau này đã đi theo vào cả mạng xã hội. Công nghệ thì hiện đại lên, không phải buổi xem phim bãi hay xem tivi tập thể. Nhưng thói quen ném đá, bình phẩm thì vẫn nguyên thế. Vô phúc mà ai đó trót xảy miệng hoặc có hành vi không tốt thì cộng đồng sẽ tập trung vào bình phẩm, lôi hết chuyện từ đời thuở nào ra mà bình luận, mà chê bai. Khoảng cách với việc đòi gọt đầu bôi vôi cô Mầu ngày xưa cũng chẳng đáng là bao.
Coi việc bình phẩm về ai đó là chuyện bình thường, cộng đồng mấy hôm nay đem Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng, ra làm thứ chế diễu hài hước. Cho là chê người khác béo, lùn, xấu có thể bị phạt 16 triệu đồng. Một quy định nghiêm túc và cần thiết, bị đem ra cố tình hiểu sai để chế giễu đã cho thấy một tư duy coi nhẹ danh dự và nhân phẩm người khác. Nếu việc chê bai kia đúng là xúc phạm người khác thì việc bị phạt là đúng rồi. Có gì mà phải coi đó là chuyện hài hước.
Đầu thế kỷ 20, một trong những “thói hư tật xấu” của người Việt được học giả Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra là: “Gì cũng cười”. Đây là nhan đề một bài viết đăng trên tạp chí Đông Dương số tháng 6/1913 – tức là cách thời điểm chúng ta đang sống đúng một thế kỷ, trong đó, ông viết: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.
Mặc nhiên coi chuyện đem khiếm khuyết cơ thể người khác là bình phẩm là chuyện bình thường, dẫn đến cái sự cười cợt khi có quy định xử phạt về việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Nếu không xem lại, việc gì cũng thấy đáng cười thế này, nói như học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mọi việc hết cả nghiêm trang.