Đại diện TAND TP HCM: Đương sự bức xúc là... không hiếm
Nói về vụ đương sự định nhảy lầu tại tòa, đại diện TAND TP HCM, trường hợp các đương sự bức xúc, có thái độ tiêu cực khi xét xử các án dân sự, hành chính,… là chuyện không hiếm gặp.
Chiều 2/7, đại diện TAND TP HCM xác nhận, sự việc lan truyền clip trên Facebook vài ngày qua là một đương sự liên quan đến một vụ án tranh chấp dân sự, sau đó người này có ý định nhảy lầu tự tử nhưng đã được bảo vệ của tòa ngăn lại.
Theo ông Thái Văn Tuấn, Chánh Văn phòng TAND TP HCM, trong mọi phiên xét xử và với mỗi vụ án đều được tòa lên phương án bảo vệ an toàn cho cả cán bộ, công nhân, viên chức và những đương sự, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, theo đại diện TAND TP HCM thì video trên mạng chỉ là từng đoạn ngắn không phản ánh toàn diện và khách quan bản chất của sự việc.
Sự việc xảy ra vào chiều 1/7, khi đó toà đang tiến hành tuyên án phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ Q.12) và phía bị đơn là nhóm cá nhân (Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ, cùng ngụ quận Gò Vấp).
Trước đó, TAND quận Gò Vấp khi xét xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn. Đến xét xử phúc thẩm, TAND TP HCM đã sửa án, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Sau khi tuyên án phúc thẩm, vợ bị đơn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có hành động định nhảy lầu, nhưng đã được vảo vệ của tòa kịp thời xử lý, ngăn lại.
Cũng theo đại diện TAND TP HCM, trường hợp các đương sự bức xúc, có thái độ tiêu cực khi xét xử các án dân sự, hành chính,… là chuyện không hiếm gặp. Cơ quan tòa án luôn có sự chuẩn bị các phương án để đảm bảo an toàn cho cả cán bộ, công nhân, viên chức và những đương sự, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Về phía đương sự có ý định tự tử sau khi được ngăn lại kịp thời đã được các cán bộ và bảo vệ ngành tòa án, các luật sư khuyên can, giải thích đã bình tĩnh trở lại. Sau đó, bà đã cùng người nhà ổn định ra về, không để bất kỳ sự việc đáng tiếc xảy ra.
Về khía cạnh luật pháp, đại diện TAND TP HCM cho biết, đối với các vụ án xét phúc thẩm, các đương sự không đồng tình với bản án vẫn có quyền đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm,... để bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp, được pháp luật bảo vệ của mình.
Theo hồ sơ vụ việc Đại Đoàn Kết nắm được, năm 1999 ông Huỳnh Hữu Lợi là người đứng tên chủ quyền đầu tiên tài sản trên (3.500 m2, thuộc phường 15, quận Gò Vấp) đã chuyển nhượng bằng hình thức giấy tờ tay cho vợ chồng ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy.
Đến ngày 3/2/2002, vợ chồng ông Quý và bà Thủy bán lại tài sản trên cho ông Khâu Văn Sĩ một phần diện tích là 500 m² đất cũng bằng giấy tay. Năm 2009, vợ chồng ông Quý lại bán bằng giấy tay các phần đất thuộc lô đất của mình cho các ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng. Đối với tất cả những người mua bằng giấy tờ tay thì vợ chồng ông Quý và bà Thủy đều hứa sẽ thực hiện việc tách thửa và đăng bộ phần diện tích đã bán cho họ khi đủ điều kiện theo quy định.
Sau này, giữa ông Dư, ông Thắng và ông Sĩ có chuyển nhượng qua lại các phần đất này cho nhau. Tất cả những giao dịch mua bán, chuyển nhượng này đều có lập thành hợp đồng nhưng không công chứng.
Tuy nhiên, sự việc sang nhượng giấy tay trở nên phức tạp khi các bên khởi kiện nhau ra TAND quận Gò Vấp do khúc mắc và tranh chấp liên quan đến các phần lô đất trên.
Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, có xem xét chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của một nguyên đơn liên quan đến hợp đồng giấy tay.
Tuy nhiên, cấp phúc thẩm, TAND TP HCM khi xét xử đã căn cứ vào các quy định hiện hành tuyên cả 3 hợp đồng chuyển nhượng đất có phát sinh kiện tụng từ cấp sơ thẩm đều vô hiệu do là giấy tờ tay.
Do bức xúc nên một bên đương sự đã có ý định nhảy lầu tự tử nhưng rất may được nhiều người giữ lại, chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc.