IS dung dưỡng ‘cái chết trắng’ ở Syria
Nhà chức trách Italy vừa công bố bắt giữ lượng ma túy khổng lồ lớn nhất từ trước đến nay trị giá hơn 1 tỷ USD. Đây là lượng ma túy của IS sản xuất ở Syria đang trên đường vận chuyển tới Đông Âu.
Vụ ma túy lớn nhất thế giới
Theo Hãng tin CNN, cảnh sát Italy bắt giữ một số lượng ma túy nặng tới 14 tấn vào ngày 1/7 và điều tra ban đầu cho thấy nó thuộc sở hữu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sản xuất ở Syria đang trên đường tràn vào châu Âu. Vụ triệt phá được CNN miêu tả ly kỳ hơn bất cứ một bộ phim hành động nào.
Những thông tin hé lộ từ nhà chức trách Italy cho biết họ đã theo dõi 3 container được vận chuyển tới cảng Salerno tại miền Nam nước này. Khi mở ra, họ đã chứng kiến 84 triệu viên ma túy amphetamines được chất lên trong các vali lớn.
“Nếu được tuồn vào thị trường thành công, nó sẽ có giá khoảng 1,12 tỷ USD” - cảnh sát Italy cho biết. Nếu không bị bắt giữ, số ma túy này sẽ được phân phối cung cấp cho toàn thị trường Đông Âu.
Các nhà điều tra cho biết đây là vụ bắt giữ ma túy lớn nhất trên thế giới. Các viên thuốc bị bắt giữ có nhãn hiệu tên "Captago", đặc trưng của loại ma túy được dùng bởi các tổ chức “thánh chiến” trong đó có IS. Các tay súng IS được cho là thường ngậm ma túy đá khi thực hiện các vụ tấn công khủng bố.
Amphetamines là loại ma túy được IS sử dụng rộng rãi tại các vùng lãnh thổ do tổ chức này kiểm soát. IS sản xuất loại ma túy này với khối lượng lớn và bán trên thị trường quốc tế, thu được lợi nhuận khổng lồ.
Cảnh sát Italy cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy tổng hợp ở châu Âu đã sụt giảm trên quy mô lớn. Do đó, các tổ chức tội phạm và đường dây buôn bán ma túy đã phải tìm tới các nguồn hàng ở Syria, nơi hoạt động sản xuất dường như không bị ảnh hưởng. Trong một vụ truy quét cách đây 2 tuần, cảnh sát Ý cũng thu giữ 1 triệu viên hồng phiến Captagon ở Salerno giấu trong các mặt hàng quần áo.
Lấy ma túy nuôi chiến tranh
Trong gần 10 năm qua, giữa vòng xoáy chiến tranh, Syria đã trở thành sản xuất amphetamine lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi biết rằng IS tài trợ cho các hoạt động khủng bố và chiến tranh phần lớn dựa trên buôn lậu ma túy sản xuất chủ yếu ở Syria, một trong những địa điểm sản xuất amphetamines hàng đầu thế giới những năm gần đây", cảnh sát Italy cho biết thêm.
Theo điều tra của hàng loạt các tờ báo cho thấy, Syria là một trong những điểm nóng sản xuất và buôn lậu ma túy ở khu vực Trung Đông và những kẻ buôn ma túy đang lợi dụng tình trạng bất ổn kéo dài tại đây để tìm cách trục lợi.
Các chuyên gia hóa học của IS tại Syria được cho là đang sản xuất hàng triệu viên amphetamine giá rẻ mỗi tháng để sử dụng và tuồn ra thị trường. Việc bán loại thuốc nghiện trên mang lại cho IS hàng triệu USD trong doanh thu, cung cấp tài chính để chúng sắm sửa vũ khí và đạn dược.
Phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) cho hay từ lâu Syria đã trở thành một đầu mối quan trọng trong hoạt động sản xuất, buôn bán một loại ma túy khác có tên là “Captagon” ở Trung Đông. "Vụ bắt giữ 4,2 triệu viên Captagon được tuồn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ gần đây là minh chứng cho hoạt động này"- báo cáo của UNODC cho hay.
Không chỉ ma túy tổng hợp, các phiến quân IS còn buôn bán và bào chế nhiều loại khác như cần sa. “Không có tiếng súng nổ hay tiếng kêu khóc của người bị thương vì bom rơi đạn lạc, tuy nhiên, ở những sườn núi hoang vu tại Syria lại ẩn chứa sự chết chóc ghê rợn hơn là các xưởng sản xuất cần sa”, theo miêu tả của các đài truyền hình Trung Đông.
CNN dẫn lời một lao động người Syria tại xưởng sản xuất cần sa tiết lộ mỗi ngày anh ta được trả 35 USD để nghiền cần sa rồi chiết xuất dầu hasit từ nhựa cây vì loại ma túy này được tiêu thụ rất nhiều nên phải làm luôn tay mới đủ hàng.
Theo các chuyên gia chống tội phạm ma túy, một lý do để khiến tình trạng buôn bán ma túy tại Syria ngày càng phức tạp vì vận chuyển nó qua biên giới Jordan rất dễ dàng với phương tiện vận chuyển chính là xe tải hoặc các phương pháp truyền thống tùy theo tình hình an ninh.
“Để ngăn chặn nó (hoạt động buôn lậu ma túy qua biên giới Syria), cần phải thay đổi cuộc sống của người dân bởi chính sự nghèo khó đã làm những nông dân nghèo địa phương đã trở thành một mắt xích trong đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia”, ông Hamala Insad, chuyên gia chống ma túy tại Syria nói.