Bắt bệnh đúng mới chữa được
Trong số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, hầu hết không phải do tài xế vi phạm nồng độ cồn mà do nhiều nguyên nhân khác, như: Không chấp hành quy định ATGT đường bộ, phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn làn, chạy ngược chiều, xe không đảm bảo kỹ thuật vẫn lưu hành... Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc lái xe vi phạm nồng độ cồn sẽ không gây TNGT nghiêm trọng. Song, một vấn đề đặt ra là, liệu lâu nay chúng ta đã xác định đúng nguyên nhân cốt lõi của TNGT?
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nghiêm khắc phê bình chủ tịch 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vì đã để các chỉ số TNGT tăng cao so với cùng kỳ năm 2019. Điều vô lý là từ khi thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ với mức xử phạt rất nặng đối với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, hầu hết người dân đã nghiêm túc thực hiện quy định đã uống rượu bia không lái xe. Vậy thì vì sao số vụ TNGT, số người chết, người bị thương không thể kéo giảm sâu như kỳ vọng?!
Từ thực trạng trên đã dấy lên một luồng ý kiến cho rằng, chúng ta chưa xác định đúng nguyên nhân bản chất cốt tử gây ra các vụ TNGT. Suốt thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị để phân tích, mổ xẻ nguyên nhân gây TNGT và cuối cùng đưa ra kết luận chính rượu bia là thủ phạm. Nếu vậy, khi thực hiện Nghị định 100 với chế tài nặng, số tiền phạt lên tới mấy chục triệu đồng khiến đại bộ phận người dân đều sợ thì có lý gì các chỉ số TNGT vẫn không thể kéo giảm sâu? Điều đó chỉ có thể lý giải rằng, rượu bia chưa phải là nguyên nhân chính gây ra TNGT.
Tìm hiểu các vụ TNGT, nhất là những vụ TNGT nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương, nguyên nhân được xác định chủ yếu do lái xe không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, không chấp hành nghiêm chỉnh quy tắc đảm bảo ATGT. Lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ có hai loại: Không biết luật và cố tình phạm luật. Với những người cố tình phạm luật thì thôi miễn bàn, bởi đó là ý thức tham gia giao thông kém. Song, với những người chẳng biết gì về Luật Giao thông đường bộ thì lại là vấn đề cần quan tâm.
Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực tế là có khá nhiều tài xế được cấp bằng lái xe ô tô, mô tô, xe máy... nhưng một điều luật bẻ đôi không hề biết. Nhiều lái xe đi trên đường gặp các biển báo không hiểu đó là biển hiệu lệnh hay biển cảnh báo, có ý nghĩa gì. Lý do rất đơn giản là khi thi sát hạch lấy bằng lái xe, họ đã được “bao luật”, nghĩa là chi ra một khoản tiền để bỏ qua lý thuyết, hoặc có người gà cho đáp án điền vào, chứ không cần học. Không biết luật, không thuộc biển báo, làm sao có thể không gây TNGT?
Đơn cử như khi lưu thông trên đường đồi núi, có những biển cảnh báo đường khúc khuỷu, quanh co, lên dốc, xuống dốc, qua ngầm... nhưng vì không biết bất cứ biển báo nào thì làm sao lái xe có thể chủ động phòng ngừa, nhanh chóng xử lý tình huống phát sinh, tránh gây TNGT? Hay đơn giản như khi tham gia giao thông, nếu có người điều khiển giao thông thì đương nhiên các phương tiện phải tuân thủ theo chỉ dẫn, chứ không theo các biển báo nữa. Song, nếu không hiểu điều đó nên khi đèn xanh, dù người điều khiển chưa cho phép đi nhưng lái xe vẫn đạp ga phóng tới thì làm sao tránh được TNGT?
Được “bao luật” đã nguy hiểm như vậy, ấy thế mà có nhiều trường hợp còn thiếu cả kỹ năng lái xe vẫn cứ được cấp bằng. Nhiều người đút bằng lái trong túi nhưng không dám lái xe ở đường đông người, bởi sẽ va quệt, hoặc khi tiến lùi sẽ gây ra tai nạn. Song, với những trường hợp không dám lái lại là hồng phúc của người tham gia giao thông trên đường. Có những trường hợp không có kỹ năng lái xe nhưng lại “điếc không sợ súng” cứ nhảy lên lái bừa dẫn đến những vụ TNGT thảm khốc, khiến nhiều người chết và bị thương.
Đó là còn chưa kể đến việc lâu nay khâu đăng kiểm xe cơ giới chưa được giám sát chặt chẽ nên đã có không ít tiêu cực xảy ra. Nhiều chiếc xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng vì chủ nhân của nó đã “chịu chi” nên cán bộ đăng kiểm vẫn “gật” cho phép lưu hành. Đáng nói, trong tất cả các vụ TNGT, người ta lại không hề nhắc đến việc liệu nguyên nhân gây tai nạn có phải do xe ô tô không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn lưu hành hay không. Và cũng chưa có bất cứ cán bộ đăng kiểm nào phải chịu trách nhiệm cho các vụ TNGT, nhất là những vụ việc nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông trên đường như CSGT, TTGT. Nếu lực lượng thực thi công vụ nghiêm minh, không nương tay, không nhấm nháy tiêu cực, có lẽ đã tránh được nhiều vụ TNGT khiến nhiều người chết và bị thương. Khi phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn, vi phạm quy tắc trật tự ATGT, xe ô tô không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật lưu hành... mà bị xử lý nghiêm, không được phép lưu thông trên đường thì lấy đâu ra TNGT?
Qua những phân tích ở trên có thể thấy, nguyên nhân gây TNGT rất nhiều, song có lẽ nguyên nhân chính gây TNGT chính là từ việc đào tạo, sát hạch lái xe quá dễ dãi, khâu đăng kiểm xe cơ giới còn quá lỏng lẻo, dễ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó cũng phải kể đến hạ tầng giao thông ở nhiều nơi, nhiều lúc còn yếu kém dẫn đến quá tải. Vậy nên các cơ quan quản lý nhà nước hãy “bắt mạch” lại cho chuẩn, bởi khi chưa xác định đúng bệnh thì khó mà chữa trị được tận gốc vấn nạn trầm kha TNGT.