Phát triển du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn sinh kế mới cho người dân

Thành Luân 03/07/2020 07:30

Tiểu vùng duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều tài nguyên trù phú. Vừa là vựa lúa của khu vực phía Nam, vừa có nhiều cửu sông, cửa biển thông thương ra biển Đông. Những đặc điểm thuận lợi này đang giúp toàn vùng khai thác tốt hơn cho phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá - trải nghiệm…

Một điểm du lịch sinh thái - cộng đồng trên Cồn Chim, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Một điểm du lịch sinh thái - cộng đồng trên Cồn Chim, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Chuyến phà đưa đoàn khách đầu tiên ghé thăm Cồn Hô nằm trên lưu vực sông Cổ Chiên, thuộc địa giới của xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh vào ngày cuối tháng 6/2020. Đoàn các nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đến với Cồn Hô để tìm hiểu, tham mưu giải pháp sinh kế mới cho người dân nơi đây.

Cồn Hô còn hoang sơ, cuộc sống người dân trên cồn cũng theo đó chập chùng khó khăn theo những con nước. Hiện nay cả cồn chỉ có trên chục hộ sinh sống, với gần 20 nhân khẩu, thế nhưng cuộc sống khó khăn nhiều người bỏ cồn vào đất liền kiếm kế mưu sinh.

Lúc đoàn ghé thăm, mọi người được nghe tâm sự về câu chuyện buồn của hộ chị Khải và anh Tư Khen. Gia chủ bộc bạch: “Gia đình chúng em mấy năm trước ở đầu Cồn Hô, nhưng sạt lở dữ quá, mấy công đất trôi sông hết, vợ chồng, con cái phải dạt vào phía trong cồn dựng nhà lại ở tạm”.

Mọi thứ đang được gây dựng lại từ đầu nhờ sự quan tâm, động viên từ chính quyền xã Đức Mỹ. Cô Ba Thu, một cư dân ở cồn kể: Hay tin có đoàn chuyên gia từ đất liền ghé thăm, cả Bí thư và Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cùng lực lượng dân quân tự vệ đã xắn tay áo cùng bà con dọn dẹp, phát quang bờ bụi chuẩn bị đón đoàn. Mọi người đều kỳ vọng luồng gió du lịch chọn Cồn Hô làm điểm đến sẽ giúp cuộc sống của bà con nơi đây khấm khá hơn.

Cách Cồn Hô không xa, cuộc sống của bà con ở Cồn Chim trên sông Cổ Chiên thuộc địa phận ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành đã được cải thiện rất nhiều nhờ hướng đi đúng trong làm du lịch. Cả Cồn Chim có diện tích tự nhiên khoảng 60ha, trong đó riêng diện tích đất nông nghiệp là 34ha, với hơn 220 nhân khẩu.

Vài năm trước đây, được sự quan tâm của tỉnh Trà Vinh đã mời sự tham vấn từ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, chọn hướng tận dụng tài nguyên tại chỗ để phát triển du lịch sinh thái, lấy quy luật tự nhiên “thuận thiên” làm định hướng. Bà con trên cồn được các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp tập huấn về nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”.

Nhờ hướng sinh kế mới, có thời điểm Cồn Chim đã đón hàng chục tour mỗi tháng, với hàng trăm lượt khách từ TP HCM và các tỉnh về tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, từ tháng 5/2019 điểm du lịch cộng đồng ở Cồn Chim đưa vào khai thác thử nghiệm.

Sau đó Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh đã ra mắt điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, đưa nơi đây trở thành một điểm đến du lịch cho du khách gần xa khi đến với Trà Vinh.

Từ Cồn Hô và Cồn Chim, du khách có thể di chuyển bằng tàu theo quốc lộ 53 qua phà Bà Trầm hoặc phà Long Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành để liên kết với nhiều điểm đến du lịch ven sông, ven biển của tiểu vùng duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của du lịch sinh thái đối với các tỉnh thành duyên hải ven biển, mới đây 4 địa phương, gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang đã cùng bắt tay hợp tác với nhau trong quảng bá, tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch cho khu vực.

Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch cho biết: Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường ở các địa phương duyên hải là rất lớn. Thế nhưng, suốt một thời gian dài các tài nguyên này chưa được khai phá hoặc có khai thác cũng mới chỉ dừng lại ở cấp độ địa phương, mạnh ai nấy làm. Du khách khi đến với mảnh đất giàu tài nguyên tiểu vùng duyên hải phía Đông đều khao khát được cảm thụ, trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng, được quản lý bền vững không tách rời mục tiêu bảo vệ môi trường.

Thành công của mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Chim (Trà Vinh) hay Cù Lao Tân Phong (Tiền Giang) và câu chuyện du lịch tự thân ở Cồn Hô đang được manh mún ý tưởng, sẽ là những gợi ý hữu ích cho các tỉnh duyên hải phát triển ngành du lịch, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao chất lượng đời sống, sinh kế cho người dân.

Thành Luân