Đừng đổ lỗi cho công tơ
Qua rà soát, kiểm tra tại Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát hiện đơn vị này ghi nhầm chỉ số công tơ của hơn 4.000 trường hợp trong 2 tháng 5 và 6, mỗi tháng ghi nhầm tới hơn 2.000 trường hợp. Lý giải cho điều này, đại diện EVNNPC khẳng định, sở dĩ có việc ghi nhầm chỉ số công tơ tăng lên là do công tơ cơ phải ghi thủ công nên “bấm nhầm” trên ipad vì bị lóa do nắng hè.
Hiện, EVNNPC quản lý tổng số 10,3 triệu công tơ, trong đó công tơ điện tử đo xa là 3,3 triệu (chiếm 31,85%), số còn lại vẫn là công tơ cơ ghi chỉ số thủ công. Trong tháng 5, số khách hàng “bỗng nhiên tăng tiền điện” do EVNNPC ghi nhầm chỉ số công tơ đạt mức 2.056 trường hợp. Tới tháng 6, số hộ gia đình bị “tính nhầm tiền điện” không những không giảm mà tăng lên con số 2.175 trường hợp.
Đại diện EVNNPC bao biện rằng, trong tiết trời nắng nóng, nhân viên ghi chỉ số phải đứng trên cột chói mắt nên... nhìn nhầm. Nếu không nhìn nhầm thì lại là do lúc thao tác nhập số vào ipad bị bấm nhầm phím số. Hoặc người ở trên đọc một số, người dưới cột điện ghi một số... Tất cả những lý giải khiên cưỡng đó chỉ nhằm một mục đích khẳng định ngành điện không gian lận, “móc túi” khách hàng.
Song, làm sao dư luận có thể tin điều đó, khi mà ngành điện chưa bao giờ “nhầm” mà phần thiệt thuộc về phía doanh nghiệp. Làm sao có thể không nghi ngờ khi mà ở mùa xuân, mùa thu, mùa đông ngành điện lại không nhầm, nhưng cứ đến những ngày hè oi bức là họ lại nhầm, thậm chí nhầm nhiều. Khách hàng của EVN có quyền đặt câu hỏi, liệu có phải việc “nhầm” vào mùa hè thì dễ dàng che dấu vết, dễ dàng xí xóa với lý do: Nắng nóng người dân dùng nhiều nên tiền điện vì thế tăng lên.
Còn nữa, tháng 5 EVNNPC đã “nhầm ăn người” 2.056 trường hợp, lý nào lại không họp giúp kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, để rồi tới tháng 6 lại tiếp tục nhầm tới 2.175 trường hợp? Giờ còn quá sớm để nói gì, nhưng liệu với “đà tăng trưởng” như vậy thì liệu hóa đơn tiền điện tháng 7 của khách hàng có bị ghi nhầm lên tới 2.500, hay 3.000 trường hợp hay không? Và nếu dư luận lúc đó tạm lắng xuống thì liệu ngành điện có kiểm tra, rà soát để có thể phát hiện sự “nhầm lẫn”?
Nhiều ý kiến cho rằng, EVN nên cầu thị, tiếp thu phản hồi của khách hàng cũng như các cơ quan truyền thông. Sai thì xin lỗi rồi sửa, chứ đừng im lặng rồi tiếp tục sai lớn hơn vì ỷ thế độc quyền. Chiếc công tơ dù là cơ hay điện tử không có lỗi, lỗi là của EVN nên đừng cố đổ lỗi cho công tơ hay thời tiết nữa.