Hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp Việt vào thị trường EU

Lê Anh 03/07/2020 08:28

Nhiều giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU và thực thi có hiệu quả Hiệp định EVFTA đang được Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và UBND TP HCM bàn bạc, để giúp DN tiếp cận tốt hơn với thị trường hàng đầu thế giới.

Xuất khẩu hàng hóa theo đường biển từ cảng Cát Lái, TP HCM.
Xuất khẩu hàng hóa theo đường biển từ cảng Cát Lái, TP HCM.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, EVFTA sau khi có hiệu lực vào đầu tháng 8 năm nay, các DN nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 500 triệu người và GDP hơn 18.000 tỷ USD của EU. Tiềm năng của thị trường EU rất lớn, hiện là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu.

Vì vậy, thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU có thể thúc đẩy tự do hóa thương mại. Các tín hiệu tích cực của hai bên cũng góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của hai bên, đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, EU đang là đối tác thương mại và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của TP HCM (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). Song song đó, EU cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 và chiến lược của thành phố. Hiện nay thành phố đang hướng dẫn cho các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường (EU), từ đó giúp DN trong nước chủ động khai thác và hưởng lợi từ các cam kết của hiệp định.

Theo các chuyên gia kinh tế, đại diện các DN có hoạt động đầu tư, xuất khẩu vào EU, bên cạnh cơ hội thì tình hình khó khăn, thách thức cũng như các hàng rào thuế quan còn cản trở hợp tác giữa các bên. Trong đó, dù cơ hội vào EVFTA là không thể phủ nhận nhưng một số mặt hàng nông sản như gạo vẫn đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, kèm theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín DN,…

Bên cạnh đó, đại diện các DN nông, lâm, thủy sản cũng cho rằng, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý để giúp DN trong nước tiếp cận tốt hơn với thị trường này.

Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ các đầu mối kết nối trong chuỗi cung ứng, từ nông dân đến nhà sản xuất, đến nhà nhập khẩu và các đơn vị trung gian kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường hiệu quả hợp tác, nhất là các DN nhỏ và vừa tham gia được vào EVFTA và các hoạt động có liên quan.

Lê Anh