Nguy cơ mất an toàn đê điều
2 nguy cơ lớn hiện nay đối với hệ thống đê điều nước ta là các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng và hệ thống đê đã lâu chưa được thử thách qua lũ lớn. Tính đến nay, vẫn còn hơn 7.400 vụ vi phạm chưa bị xử lý.
Hiện cả nước hiện có khoảng 9.000 km đê điều với hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt do Trung ương quản lý. Trong đó, 230 trọng điểm đê điều xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão; Có 399 km đê còn thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè hư hỏng, xung yếu.
Tuy nhiên, trước mùa mưa bão, phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, lực lượng tham gia hộ đê lúng túng và nhiều địa phương không bố trí đủ cán bộ làm công tác chuyên trách.
Nhiều nơi, chính quyền địa phương và người dân còn nhận thức không đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan và xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều…
Cảnh báo nguy cơ mất an toàn đê điều, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương thông tin: Năm 2019 và đầu năm 2020, tình trạng thiếu nước gây hạn hán nặng nề tại khu vực Tây Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2019, các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ như Hòa Bình, Sơn La thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước, mực nước tại hồ Sơn La xuống thấp nhất kể từ khi xây dựng (năm 2005). Theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, sẽ có mưa, lũ, bão diễn biến phức tạp, khó lường và đe dọa mất an toàn hệ thống đê điều trong thời gian tới.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, số vụ vi phạm đê điều tăng lên qua từng năm và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tính đến nay, vẫn còn hơn 7.400 vụ vi phạm chưa bị xử lý.
Tại 2 TP lớn là Hà Nội và Hải Phòng vẫn còn nhiều điểm nóng vi phạm đê điều. Như thời điểm này, tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng, dọc hành lang bảo vệ đê và bãi sông Lạch Tray, phía hạ lưu cầu Niệm 2 (Km22+500 đến Km22+600) và thượng lưu cầu Rào 2 (Km 23+400 đến Km 25+100), tình trạng đổ chất thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị diễn ra phổ biến. Diện tích phía ngoài và một phần trong đê Tả Lạch Tray trước đây là đất nuôi trồng thủy sản.
UBND phường Vĩnh Niệm cho các hộ dân thuê để đào ao thả cá. Nhưng hiện nó đã biến thành những bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, bãi đỗ xe, nhà ở công nhân. Sai phạm cũ chưa được xử lý thì tình trạng tự ý bơm cát, san lấp mặt bằng, đổ vật liệu xây dựng, lấn đất bãi bồi, kè sông vẫn đang diễn ra mà không hề có sự ngăn chặn của lực lượng chức năng.
Hay trên tuyến sông Hồng, tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) có gia đình ông Lê Đức Trịnh đã xâm phạm hàng nghìn mét vuông bãi sông nằm trong hành lang thoát lũ để xây dựng công trình, vườn hoa tiểu cảnh làm “Vườn trải nghiệm sáng tạo ong vàng”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) đã đóng cọc bê tông cốt thép trên cơ kè Sen Chiểu - Phương Độ để làm mố đặt máy cẩu hàng hóa từ tàu, thuyền lên bãi sông.
Trên tuyến sông Cà Lồ, đoạn thuộc địa bàn huyện Đông Anh, gia đình ông Trần Đình Thanh (ở xã Nguyên Khê), ông Nguyễn Trọng Thư (ở xã Xuân Nộn), ông Lê Quang Hùng (ở xã Thụy Lâm) đổ hàng nghìn mét khối phế thải xây dựng xuống lòng sông để tạo mặt bằng trồng cây, dựng lều lán, chuồng trại chăn nuôi, cản trở trực tiếp dòng chảy tiêu thoát lũ, đe dọa an toàn tuyến đê Cà Lồ, gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai… từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa bị xử lý.
Bộ NN và PTNT nhấn mạnh, các huyện cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu đến từng xã khi có vi phạm về đê điều. Đồng thời các huyện cần tăng cường phối hợp xử lý vi phạm với các cơ quan quản lý đê điều tại địa phương và Trung ương.