Tin nhắn rác, cuộc gọi rác: Nhà mạng có 'vô can'?
“Đang có hành vi tiếp tay mua bán thông tin khách hàng mà tôi nghĩ nhà mạng cần lại xem lại trách nhiệm của mình” - ông Trương Anh Tú nhấn mạnh khi bàn về tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Sau một thời gian dài ấp ủ, từ tháng 7 này, cơ quan quản lý cùng một số nhà mạng đã chính thức tuyên chiến với cuộc gọi rác. Với động thái này, giới luật sư cho rằng, nếu khách hàng cảm thấy vẫn bị làm phiền, quấy rối từ cuộc gọi rác, khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện nhà mạng. Để phát huy hiệu quả chông “ rác điện thoại”, khách hàng sử dụng di động góp phần không nhỏ.
5 tiêu chí xác định là “ rác”
Cục Viễn thông cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi "rác" gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ; đặc điểm hành vi sử dụng.
Theo đó, những cuộc gọi có tần suất thực hiện dày đặc, tới nhiều thuê bao khác nhau trong cùng một thời gian ngắn, cũng như có thời lượng đàm thoại không cao sẽ bị hệ thống tự động liệt vào dạng nghi ngờ là cuộc gọi "rác".
Các nhà mạng sẽ phân tích dữ liệu (big data) và máy học (machine learning) và xây dựng một hệ thống tự nhận diện các thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi "rác", và tiến hành chặn thuê bao này.
Trong những trường hợp chưa chắc chắn, hệ thống dữ liệu sẽ tiếp tục phân tích thêm về mối quan hệ giữa thuê bao của khách hàng với thuê bao thực hiện cuộc gọi "rác", cũng như kiểm tra các đặc điểm hành vi tương tác.
Cụ thể với mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi đi 1 câu hỏi dưới dạng tin nhắn USSD. Câu hỏi có nội dung nhờ người dùng xác định cuộc gọi vừa đến liệu có chứa nội dung quảng cáo hoặc làm phiền tới họ.
Từ câu trả lời này để nhà mạng tập hợp dữ liệu, xác định chính xác 1 thuê bao có phải là nguồn phát tán cuộc gọi rác hay không. Việc cung cấp thông tin trên cũng sẽ giúp hệ thống chặn lọc tự động của nhà mạng hoạt động ngày càng chuẩn xác.
Tuy nhiên có điều đáng chú ý tỷ lệ người dùng phản hồi các nội dung này thường ở mức thấp. Do vậy, để việc chặn cuộc gọi rác có hiệu quả, vai trò của người dùng là rất lớn.
Hiện nay đã có Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai biện pháp ngăn chặn cuộc gọi "rác" (bắt đầu từ ngày 1/7/2020). Trong khi đó Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (Vinaphone) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ áp dụng triển khai trước ngày 1/8/2020.
Còn lại 6 công ty cổ phần bao gồm Vietnamobile, Viễn thông Đông Dương, Viễn thông Hà Nội, Hạ tầng CMC, Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, Viễn thông FPT, thông báo sẽ triển khai trước ngày 1/10/2020.
Đặc biệt theo Cục Viễn thông, trường hợp doanh nghiệp viễn thông không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi "rác" thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Người tiêu dùng có quyền khởi kiện?
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Luật sư Trương Anh Tú khẳng định, khi nhà mạng và cơ quan quản lý chính thức có công cụ tuyên chiến với cuộc gọi rác đòng nghĩa với việc khách hàng sử dụng dịch vụ được thêm quyền lợi. Ở đây không đơn giản là người tiêu dùng được nhà mạng bảo vệ mà người tiêu dùng còn được khởi kiện lại chính nhà mạng nếu như vẫn bị làm phiền từ cuộc gọi rác.
Luật sư Trương Anh Tú nói, pháp luật hiện nay rất mở, quy trình khởi kiện cũng đơn giả, việc phán xét đúng sai thuộc về toà án. Một khi khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông cảm thấy quyền và lợi ích bị xâm phạm thì hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà cung cấp dịch vụ để được bồi thường và đền bù.
Ở cương vị là khách hàng sử dụng dịch vụ di động, luật sư Trương Anh Tú cũng khẳng định, việc nhà mạng có quyền cắt thuê bao các cuộc gọi rác là cần thiết.
“Một ngày, tôi phải nghe hàng chục cuộc gọi rác. Công việc của tôi bắt buộc tôi phải nghe mọi cuộc gọi, và việc phải thường xuyên nghe và bình tĩnh trả lời các cuộc gọi rác khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Nhiều lúc đang họp, có điện thoại số lạ gọi đến, cứ nghĩ là người dân hoặc doanh nghiệp nào gọi nhờ hỏi về phát luật. Tôi tắt đi gọi lại thì kết quả t là gọi mời mua bất động sản, gia sư, mời đầu tư…”.
“ Cảm thấy rất mất thời gian, mệt mỏi” - luật sư Trương Anh Tú nói.
Tuy nhiên vị luật sư này cũng đặt ngược lại câu hỏi về trách nhiệm của nhà mạng trong việc có bán thông tin khách hàng cho các dịch vụ khác không. Bởi có những cuộc điện thoại rác biết chính xác mình là ai, làm gì, mời mua sách đúng lĩnh vực mình rất quan tâm.
“Đang có hành vi tiếp tay mua bán thông tin khách hàng mà tôi nghĩ nhà mạng cần lại xem lại trách nhiệm của mình” - ông Trương Anh Tú nhấn mạnh.
Vậy ở chiều ngược lại, nếu những thuê bao bị nhà mạng bất ngờ cắt vì cho là thực hiện cuộc gọi rác có được quyền khởi kiện nhà mạng? Luật sự Trương Anh Tú nói, đã là khách hàng sử dụng dịch vụ thì hoàn toàn có thể khởi kiện nhà cung cấp nếu như quyền lợi của mình bị xâm phạm và bị làm ảnh hưởng.
Trong khi đó, một chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin chia sẻ với Đại Đoàn Kết Có 1 số người tiếp tay, cung cấp tên khách hàng. Có người tên tuổi, nghề ngiệp chào rằng, công cụ mà nhà mạng sử dụng để cắt thuê bao thực hiện các cuộc gọi rác là có. Nhưng hiện nay, cũng có những người mua sim rác chỉ để thực hiện cuộc gọi rác.
Do vậy, căn nguyên sâu xa, nhà mạng phải chặn được tình trạng bán sim rác tràn lan trên thị trường. Một khi mua bán sim còn dễ thì cuộc gọi rác vẫn còn.
Trước đó vào thời điểm tháng 4, do có những vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động nên thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quyết định xử phạt 3 nhà mạng: Viettel, VinaPhone và MobiFone, mỗi nhà mạng 90 triệu đồng.
Đồng thời Bộ TT-TT cũng chỉ ra một số tồn tại của doanh nghiệp liên quan đến quản lý thuê bao di động như thiếu thông tin. Tình trạng người sử dụng SIM thuê bao không phải là người đã đăng ký thông tin thuê bao phổ biến do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin của mình, của nhân viên để giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, đăng ký thông tin trước để kích hoạt SIM với số lượng lớn, bán ra thị trường nhưng không thực hiện lại giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung.