"Thanh toán" dứt điểm những quy định gây khó doanh nghiệp
Qua rà soát sơ bộ, CIEM thấy có 37 vấn đề chống chéo, mâu thuẫn. “Phải nhanh chóng sửa đổi các quy định này, nếu không sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư và chính cơ quan quản lý nhà nước”.
Tại cuộc tọa đàm “Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay, 3/7, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cần tạo áp lực từ nhiều phía để các bộ ngành “thanh toán” dứt điểm những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, các thủ tục gây khó cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế, hiện còn rất nhiều điều kiện còn chồng chéo, mâu thuẫn nằm trong các nghị định và luật thuộc văn bản quy phạm pháp luật của các bộ. Qua rà soát sơ bộ, CIEM thấy có 37 vấn đề chống chéo, mâu thuẫn.
“Phải nhanh chóng sửa đổi các quy định này, nếu không sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư và chính cơ quan quản lý nhà nước”.
Vì sao lại gây khó cho chính cơ quan quản lý vì theo bà Thảo, nếu quá nhiều văn bản cùng quy định không rõ ràng về một vấn đề sẽ gây lúng túng cho cơ quan quản lý, họ không biết thực hiện theo văn bản nào? Điều này sẽ tác động trực tiếp, gây rủi ro cho môi trường kinh doanh. Do đó, cần có một cơ quan kết nối để xử lý những văn bản còn mâu thuẫn này.
Bà Phạm Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp phân tích, những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Trong đó, nguyên nhân chủ quan nằm ở đội ngũ xây dựng pháp luật còn hạn chế, trong khi đó bộ phận pháp chế khi xây dựng luật chỉ thuần túy về mặt pháp lý, thiếu thực tiễn nên tham mưu chính sách còn ít nhiều có hạn chế.
Đồng tình phải tìm ra cơ quan chịu trách nhiệm sửa đổi những bất cập trong những quy định này, bà Thảo đề xuất, mâu thuẫn chồng chéo phải do đơn vị độc lập nhận diện chứ không phải bộ, ngành tự nhìn thấy bất cập của chính họ. Bởi, rất ít người “tự lấy đá ghè chân mình”, ai cũng cho là quy định của mình đúng cả.
Phải tạo áp lực, buộc bộ ngành phải rà soát lại các quy định của họ, cái nào không hợp lý thì bỏ đi, không rõ ràng, xem xét lại. Tránh tình trạng, chỉ rà soát những quy định đơn giản, những quy định mang tính quyền lực của họ vẫn còn, vẫn giữ cho bằng được.
Tạo áp lực đủ mạnh có thể triệt tiêu sự chây ì trong cải cách của các cơ quan quản lý, nhưng nhiều ý kiến tại tọa đàm cho ràng đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Do đó, cần thay đổi tư duy thì cải cách mới thực chất. Chứ áp lực từ bên trên xuống thì kết quả không cao bằng chính tự thân họ thấy cần thay đổi để tạo sự thông thoáng thật sự, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho đất nước cũng là lợi ích của chính họ.