Biết thì trả lại tiền, không biết thì sao?
Phải nói rất thẳng rằng, đến thời điểm này, người dân đã không còn có thể chịu đựng được cảnh độc quyền, mặc sức làm sai của EVN được nữa.
Sau gần hai tháng “lùm xùm” việc tiền điện tăng đột biến, mặc cho truyền thông muốn nói gì thì nói, EVN vẫn tiếp tục có nhiều sự “nhầm ăn người” rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước.
Cũng đã có nhiều lãnh đạo ngành điện, từ địa phương đến Trung ương “đăng đàn” đưa ra hàng tỷ lý do giải thích cho việc tính khống tiền điện của khách hàng. Các sếp ngành điện khảng khái nói: Nếu phát hiện đã thu nhầm tiền của khách hàng thì sẽ hoàn trả ngay lập tức. Song, vấn đề đâu có đơn giản như vậy?!
Có ý kiến cực đoan ví von: Một tên trộm lên xe buýt móc túi của một hành khách. Sẽ có hai trường hợp xảy ra: Nếu không bị phát hiện thì đến bến sau hắn sẽ xuống xe an toàn, lẩn vào đám đông mất dạng, còn vị hành khách trên thì chấp nhận tiền không cánh mà bay. Giả định còn lại là tên trộm bị phát hiện khi móc túi khách hàng. Lúc này, theo bạn thì tên trộm chỉ việc trả lại ví cho hành khách nói trên là có thể rút lui an toàn, hay sẽ bị no đòn hội đồng, hoặc bắt trói giải đến cơ quan công an?
Hay một ví dụ khác “vĩ mô” hơn. Một quan chức tham ô hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. Nếu không ai phát hiện thì sẽ “tại vị” và tha hồ rao giảng đạo đức cho cấp dưới, rồi khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ “hạ cánh an toàn”.
Nhưng nếu số nhọ mà bị tố cáo, bị cơ quan chức năng phanh phui ra sự thật, khi đó vị quan chức đó chỉ việc trả lại tiền tham ô là sẽ bình an vô sự, hay sẽ bị “nhập kho” chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật? Chắc chắn là không thể trả lại tiền tham ô là xong rồi.
Trở lại câu chuyện ngành điện nói nếu thu nhầm tiền của khách hàng sẽ sẵn sàng trả lại. Vâng, tất nhiên khi thu khống tiền điện của dân thì các vị sẽ phải trả lại là lẽ đương nhiên rồi. Song, không thể chỉ trả lại tiền thu khống và đưa ra một lời xin lỗi quen thuộc là có thể xong xuôi mọi việc. Hành vi gian lận, tính tiền điện tăng lên có khác gì hành vi móc túi khách hàng như tên trộm trên xe buýt. Cớ làm sao tên trộm thì phải đi tù vì tội trộm cắp tài sản, còn các sếp ngành điện lại không bị làm sao?!
Ở đời, lẽ thông thường là khi mắc lỗi, sai lầm nhưng chẳng làm sao cả, không có chế tài, cũng chẳng có ai trừng phạt thì người mắc lỗi sẽ nhờn mặt, làm sao có thể tu thân, sửa chữa lầm lỗi của bản thân? Có thể đơn cử ngay như lúc ta còn bé, nếu mắc lỗi mà bố mẹ, người lớn lại cười, cho rằng trẻ con không chấp, thì chắc chắn lớn lên sẽ không thể trở thành người hữu ích cho xã hội. Là người vô dụng còn may mắn cho xã hội, nếu nuông chiều quá khiến nhân cách phát triển lệch lạc còn trở thành mối nguy tiềm tàng cho cộng đồng.
Cái lý đó áp vào trong trường hợp này quả nhiên rất đúng. Chính vì có thể vô tư “nhầm ăn người” mà ngành điện bao nhiêu năm qua không thể sửa được căn bệnh cứ đến mùa hè là lại nhầm hóa đơn tiền điện theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Nhầm thì doanh thu của ngành điện sẽ tăng lên, mỗi cá nhân trong doanh nghiệp sẽ có lương, thưởng cao hơn, vậy thì tội gì mà không nhầm? Nếu bị phát hiện thu tiền khống thì là nhầm lẫn, cũng chẳng ai dám làm gì, không phát hiện được thì đút tiền vào túi, tội gì không nhầm.
Chết nỗi, hiện chưa có bất cứ cơ chế giám sát nào đối với ngành điện, nên việc ghi khống tiền điện của khách hàng lên cao khó lòng truy cứu trách nhiệm được. Đơn giản là khi bị phát hiện “nhầm ăn người”, ngành điện nói nhầm lẫn thì cũng không có bất cứ chứng cứ gì để chứng minh ngành điện cố tình gian dối, vụ lợi. Để chứng minh giữa “nhầm” với gian dối có lẽ phải viện đến tài năng của cơ quan công an. Song, vấn đề ở chỗ, chẳng có cơ quan công an nào quan tâm đến việc người dân bị tính khống tiền điện.
Nếu, chỉ là nếu thôi, cứ công ty điện nào “nhầm” nhiều khách hàng, diễn đi diễn lại nhiều năm thì lãnh đạo doanh nghiệp đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gian dối, với tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Thử hỏi như vậy liệu có còn hiện tượng nắng quá chói mắt nên ghi nhầm chỉ số công tơ, ấn nhầm số ở ipad? Đằng này hết ngày qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm nào các công ty điện lực cũng vẫn cứ diễn một bài cũ rích là... nhầm.
Phải nói rất thẳng rằng, đến thời điểm này, người dân đã không còn có thể chịu đựng được cảnh độc quyền, mặc sức làm sai của EVN được nữa. Người dân cần có quyền được lựa chọn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nào đảm bảo về chất lượng, thái độ phục vụ không được cửa quyền, càng không phải chịu đựng sự gian lận.
Muốn được vậy thì phải có thị trường điện cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp có quyền cung cấp điện, chứ không phải chỉ có mình “ông lớn” EVN. Nếu không thay đổi, người dân vẫn sẽ tiếp tục bị “móc túi”, biết thì trả lại, không biết thì sao đây?