Không lo nguồn tuyển
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh 2020 có hơn 255 nghìn thí sinh từ bỏ “cuộc đua” Đại học - Cao đẳng (ĐH-CĐ).
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT): Cả nước có hơn 895 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có hơn 640 nghìn em đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Như vậy, còn khoảng 255 nghìn thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu vào ĐH, CĐ (chiếm tỷ lệ 28,5%).
Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2019, thống kê cũng cho thấy có 279.001 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mà không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm khoảng 27,8%).
TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho rằng đây là tín hiệu tốt, thể hiện chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực. Người dân không còn tâm lý sính bằng cấp, phải vào ĐH bằng mọi giá.
Còn theo phân tích của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, từ phía các địa phương và ngành giáo dục cần có khảo sát cụ thể xem những học sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH,CĐ có phải tất cả đều sẽ đi học nghề hay sẽ vào ĐH,CĐ bằng hình thức xét tuyển học bạ hoặc đi làm ở các công ty, xí nghiệp? Từ đó, mới tính toán được hiệu quả của công tác phân luồng thực chất đến đâu.
Trước thềm mùa tuyển sinh 2020, có 2 trở ngại lớn trong công tác tuyển sinh GDNN khiến các trường nghề lo lắng. Trước hết, việc Bộ GDĐT chốt năm nay chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH được xét tuyển học bạ đồng nghĩa với thí sinh trúng tuyển vào ĐH dễ dàng hơn bao giờ hết.
Thời gian xét tuyển ĐH dự kiến kéo dài hết tháng 2/2021 cũng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường nghề, nhất là khi không ít thí sinh có tâm lý trượt ĐH mới nghĩ đến trường nghề. Trong khi số thí sinh chọn trường nghề ngay từ đầu chiếm tỉ lệ không nhiều.
Dẫu thế, đến thời điểm này, các trường nghề chia sẻ tình hình tuyển sinh GDNN năm 2020 đã khả quan hơn. Bởi Bộ LĐTBXH đã ban hành những chính sách tạo điều kiện cho khối GDNN phát triển; công tác tuyên truyền về GDNN cũng được đẩy mạnh giúp người dân thay đổi nhận thức. Cùng với đó, năm 2020 mô hình tuyển sinh nghề trực tuyến được các trường nghề triển khai, áp dụng rộng rãi.
Giờ đây các trường nghề cũng chủ động hơn trong việc tìm kiếm người học như đến các trường THCS, THPT để tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Lãnh đạo trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội cho hay: Mấy mùa tuyển sinh vừa qua, nhà trường đã đến các trường THCS trên địa bàn thành phố để tư vấn giúp học sinh lớp 9 chọn nghề cho phù hợp.
Như vậy, số lượng học sinh không dự tuyển ĐH, CĐ những năm gần đây chính là nguồn tuyển dồi dào cho các trường nghề. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để trường nghề thực sự là cánh cửa hấp dẫn người học.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, bên cạnh tín hiệu tốt về phân luồng, những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Đó là làm sao để đào tạo người học thành những lao động vừa có kiến thức kết hợp với thực hành để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời đại công nghiệp 4.0. Đó không chỉ là lao động giản đơn, mà điều thị trường cần hơn đó là những lao động được đào tạo lành nghề, có kỹ thuật cao, làm chủ được công nghệ đang ngày càng phát triển.
Ông Trần Xuân Nhĩ thì cho rằng, điều này cũng đặt ra cho các trường nghề yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo để hút thí sinh. Nếu chỉ chăm chăm tăng chỉ tiêu một cách cơ học mà không tính đến tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường thì sẽ chỉ gây tác động xấu đến thị trường lao động.
Ngoài ra, một vấn đề khác đang được quan tâm, đó là hiện nhiều người đã thấy được triển vọng việc làm khi học nghề.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các trường nghề chính là nguồn dữ liệu học sinh tốt nghiệp từ các trường THCS và THPT trong cả nước. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho các trường nghề tiếp cận đối tượng để có nguồn tuyển dồi dào. Song hiện tại đề xuất về chia sẻ dữ liệu tuyển sinh giữa Bộ LĐTBXH với Bộ GDĐT vẫn khó để thực hiện.
Do đó, người học cũng như phía các trường nghề mong muốn sớm có hệ thống dữ liệu quốc gia về tuyển sinh, để công tác hướng nghiệp trúng và đúng đối tượng.