Chung tay xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long thành điểm đến du lịch an toàn
Đây là ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đại diện Cụm trưởng Cụm liên kết phía Đông tại Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch TP HCM (TP) và 13 tỉnh, thành Đồng Bằng sông Cửu long (ĐBSCL) diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 4/7.
Trước đó, tháng 12/2019, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã cùng nhau liên kết hợp tác phát triển du lịch lần 2 năm 2019, họ đã ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025.
Sau 6 tháng triển khai thực hiện, mặc dù phải chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid - 19 nên hoạt động du lịch của cụm phía Đông nói riêng, ĐBSCL nói chung và công tác phối hợp triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bằng sự nổ lực, quyết tâm vì sự ổn định và phát triển du lịch, với sự cộng hưởng giữa cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương đã biến thách thức thành cơ hội, từng bước khơi lại sức sống cho ngành du lịch.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tham mưu cơ chế chính sách phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; đẩy mạnh liên kết hợp tác; chú trọng công tác quảng bá xúc tiến; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; nâng năng lực cạnh tranh của các điểm đến và dịch vụ du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch ĐBSCL với du khách trong và ngoài nước.
Ông Hiển cho biết thêm: Việc phát triển du lịch của ĐBSCL chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế của vùng. Tiềm năng phát triển du lịch của khu vực ĐBSCL rất lớn, nhưng hiện nay không gian du lịch vùng bị gián đoạn, nhiều địa phương làm du lịch còn tự phát, thiếu chuyên nghiệp và tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch giống nhau, dễ gây nhàm chán, chưa thực sự tạo ra điểm nhấn để thu hút và giữ chân khách du lịch.
Cũng theo ông Hiển, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là tiền đề để các địa phương đẩy mạnh hợp tác giữa các tỉnh thành trong vùng và cả nước, nhằm đầu tư phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất đồng bộ. Cùng nhau khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa của từng địa phương. Góp phần nâng cao năng lực nhằm nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên nghiệp, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, tạo thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch TP HCM và cả vùng ĐBSCL
Theo Sở Du Lịch TP HCM, qua 6 tháng triển khai thực hiện ký kết thỏa thuận đã hình thành được cơ chế thông tin liên lạc, phát triển 3 sản phẩm du lịch mới bên cạnh việc khai thác nâng chất những sản phẩm hiện có, gia tăng lượng khách từ TP HCM đến 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long và ngược lại; đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch sau khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch của 14 tỉnh, thành. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng Cụm phía Đông cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu du lịch, trong đó, sẽ đặc biệt quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch chung trên cơ sở xây dựng sản phẩm mới, đặc trưng của từng địa phương. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu điểm đến du lịch tại các tỉnh thành ĐBSCL là điểm đến an toàn theo nguyên tắc “Tôi an toàn – bạn an toàn – chúng ta an toàn”.
Tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình khảo sát tour – tuyến – sản phẩm du lịch của từng địa phương, vùng, khu vực để liên kết, kết nối xây dựng và phát triển các sản phẩm, tuyến du lịch liên vùng, xuyên tâm cũng như các tuyến du lịch hành lang ven biển.
Ông Nguyễn Văn Đức cũng cho rằng: "Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” mỗi tỉnh thành cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ du khách khi đi du lịch nội địa, cụ thể, cần có những chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên đi du lịch dịp hè 2020 nhằm kích cầu và khôi phục hoạt động du lịch sau hậu Covid-19. Chính sách trên vừa có tác dụng thúc đẩy nhu cầu nội địa, khuyến khích người dân đi du lịch, vừa đem lại nguồn thu cho nhà nước” – ông Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đại diện cụm phía Tây cho rằng, bên cạnh việc phát huy thế mạnh của từng địa phương, phát triển sản phẩm du lịch mới. Cần thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng, phát triển sản phẩm mới, rà soát số lượng người lao động có nhu cầu đào tạo để tổ chức đào tạo hoặc liên kết đào tạo giữa các địa phương trong vùng.
Tự hào là là nhân tố thúc đẩy đổi mới tích cực của ngành hàng không Việt Nam. Ông Chu Việt Cường – Thành viên HĐQT Viejet cho biết, đồng hành cùng các cơ quan quản lý địa phương, ngành hàng không, du lịch…Vietjet đã tạo ra nhiều sản phẩm mới thu hút du khách đến với TP HCM và các tỉnh thành ĐBSCL.
Thể hiện sự quyết tâm thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc khai thác điều kiện bình thường mới để tổ chức du lịch và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM đề nghị, cần tập trung xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Tổ chức Hội nghị giới thiệu quảng bá du lịch 14 tỉnh, thành trong khuôn khuổn Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2020; Phối hợp xây dựng phim quảng bá du lịch chung về liên kết phát triển du lịch vùng và triển khai chiến dịch lan toả phim quảng bá chính thức về du lịch vùng đến các thị trường trong điểm trong nước và quốc tế; Phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 5 tỉnh Đông Nam Bộ…