Kích tăng trưởng từ đầu tư tư nhân
Hiện khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể) đóng góp gần 40% GDP. Hệ thống này cũng là động lực tăng trưởng quan trọng góp phần khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Chính vì vậy nếu tập trung các nguồn lực để “kích” gia tăng thu hút đầu tư tư nhân sẽ giúp tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2020 đạt được kết quả cao nhất.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đã trao đổi cùng PV báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV:Thưa ông, theo tính toán của một số đơn vị nghiên cứu thì chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể, nhưng nếu đầu tư tư nhân tăng 1%, thì sẽ giúp GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm khoảng trên 0,15 điểm %. Vậy nếu kích đầu tư tư nhân sẽ giúp GDP tăng trưởng cao trong năm khó khăn này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi xin nói rằng, kinh tế tư nhân có rất nhiều đặc tính. Nó nhỏ, kỹ thuật không cao, tiếp cận vốn ngân hàng và vốn ngoài xã hội khó khăn, trừ việc họ huy động vốn của bạn bè. Vì nó bé, mỏng manh, khó huy động vốn nên rất dễ gặp khó khăn trước những biến động của thị trường.
Do đó trong những tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động rất nhiều. Vì tư nhân là “tiền đi liền với ruột” nên thấy khó khăn là họ tạm dừng, tìm cách giữ vốn, xoay chuyển hướng phát triển để thiệt hại ít nhất.
Cũng chính vì đặc tính đó nên thích ứng của kinh tế tư nhân trước các “cú sốc” nói chung là rất tốt. Đơn cử trong giai đoạn năm 1998-2000, khi xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á thì kinh tế Việt Nam bị chịu tác động rất ít, không đáng kể.
Lúc đó mọi người nghĩ rằng, vì chúng ta chưa mở cửa nhiều, chủ yếu mở cửa trong khối ASEAN là chính nên độ va chạm ít. Nhưng đến khi khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008-2010, chúng ta mới thấy rằng khi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn song kinh tế Việt Nam chỉ đi chậm lại. Kinh tế tư nhân chỉ dừng lại một chút sau đó đã chuyển hướng, xoay trục thích ứng với điều kiện mới. Từ đó giúp cho kinh tế tư nhân vẫn phát triển, giúp nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này vẫn phát triển tốt.
Trong năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kinh tế tư nhân của ta vẫn thích ứng tốt. Vì nhỏ, bé, mỏng manh nên dễ chuyển đổi để thích ứng. Trong 6 tháng qua, lượng DN tạm ngừng hoạt động, nghỉ nhiều. Nhưng cũng phải thấy rằng, lượng DN phá sản, chờ phá sản không phải là lớn. Và lượng DN này sau đó quay trở lại hoạt động lại tăng cao hơn so với thời gian trước.
Chúng ta hy vọng rằng, kinh tế tư nhân thích ứng nhanh sẽ làm cho thiệt hại của nền kinh tế ít nhất, từ đó làm cho thiệt hại của nền kinh tế của chúng ta là không lớn. Đồng thời nó cũng tạo ra định hướng giúp cho nền kinh tế phát triển, tạo ra sự phát triển chung.
Vừa qua Chính phủ đã cho phép giãn, hoãn nợ thuế cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch. Còn đối với DN nhỏ, siêu nhỏ, Chính phủ cho phép khuyến khích các DN này phát triển, tích lũy đầu tư thông qua việc Quốc hội đã thông qua nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập DN. Và tôi xin nhấn mạnh rằng đó là việc chưa bao giờ có.
Đó là biện pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy các DN tư nhân tăng trưởng và phát triển để có lợi nhuận. Hay về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng quan tâm đến việc tiếp cận vốn bằng việc cho phép các ngân hàng khoanh nợ, giãn, hoãn các khoản nợ. Từ đó làm cho các DN vừa và nhỏ, DN tư nhân được không chuyển nhóm nợ. Từ đó có thể tiếp tục vay nợ, chuyển hóa nợ thành khoản chưa phải nợ xấu.
Hiện DN nhỏ và vừa chiếm 98% DN trên cả nước và đóng góp 40% GDP cả nước. Vậy nếu kích đầu tư tư nhân, liệu còn dư địa nào để đóng góp của khối này cao hơn nữa, thưa ông?
-Còn có thể cao hơn được. Đối với các DN trong nền kinh tế quốc dân, việc đóng góp vào GDP thể hiện vị thế của nó. Thời gian qua, công tác thống kê cũng có sự thay đổi. Cho nên chúng ta có thể thấy rõ được vai trò của DN vừa và nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân.
Trước đây, có nhiều hộ gia đình và DN nhỏ và vừa không được đưa vào diện thống kê. Đến nay khi tính toán và đánh giá lại GDP như năm ngoái thấy rằng sự đóng góp của khối này tăng thêm đến 25,2%.
Nếu như chúng ta tính toán đầy đủ, có công thức và công khai minh bạch lúc đó có thể thấy vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, các DN vừa và nhỏ có đóng góp rất lớn trong nền kinh tế chứ không hề nhỏ như trước đây chúng ta nhìn nhận.
Thực tế nền kinh tế của ta lớn hơn nhiều so với cái chúng ta vẫn nghĩ với nhau. Thực chất nền kinh tế của ta không nhỏ, nếu tính toán đủ sự đóng góp của kinh tế tư nhân cũng cỡ phải tăng 32% chứ không phải 25,2%. Do đó, đóng góp của kinh tế tư nhân đối với GDP không chỉ 40% mà thực tế còn lớn hơn.
Nhưng bản thân các DN cũng phải tự đổi mới để vươn lên. Cũng giống như chuyện thoát nghèo không thể nằm chờ sự hỗ trợ mà phải tìm được hướng vươn lên, thưa ông?
-DN là yếu tố quyết định. Vì bản thân DN không tự “tái cấu trúc” tìm xem mình yếu cái gì, phù hợp với thời gian hiện nay hay không, có thể chuyển hướng làm gì trong thời gian hiện nay... thì anh không thể tồn tại. Bản thân doanh nghiệp phải tự giảm chi phí đầu ra, đầu vào, rồi chi phí quản lý.
Vì về phía Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích giúp cho thu nhập của anh tăng lên bằng cách nếu anh có thu nhập thì anh được giảm thuế. Hay như tạo điều kiện cho anh trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Cho nên, trong bối cảnh hiện nay, bản thân các DN phải tự đánh giá lại toàn bộ hoạt động của mình. Từ công nghệ, nhân sự xem đã hợp lý hay chưa? Cái gì ổn? Cái gì chưa ổn? Từ đó thay đổi quá trình sản xuất.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay vấn đề nguyên nhiên vật liệu có thể gặp khó khăn hơn vì nhiều quốc gia trên thế giới đang bị khó khăn bởi dịch. Vì thế doanh nghiệp nào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài thì vẫn có những khó khăn nhất định.
Thứ hai do nhiều quốc gia đang dịch bệnh, dân đang lo tích trữ tiền để chống chọi với dịch nên các khoản tiêu dùng khác đều bị giảm đi. Vì thế bản thân các doanh nghiệp chúng ta phải có chiến lược phù hợp, chuyển hướng làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, hoặc đa dạng hóa thị trường cung ứng. Từ đó giảm thiểu thiệt hại cho DN. Vì sản xuất mà không có nguyên vật liệu thì sản xuất gì, hay như sản xuất ra nhưng không có thị trường tiêu thụ thì cũng chết. Do đó, các DN nếu không chủ động tìm kiếm thêm các thị trường khác là sẽ rất khó khăn. Tôi xin nhấn mạnh rằng, thị trường Việt Nam với hơn 96 triệu dân không hề nhỏ chút nào. Nếu như anh biết khai thác thì vẫn có thể hồi phục, thậm chí phát triển tốt trong 6 tháng cuối năm 2020.
Thời gian qua đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho DN, nhưng những nút thắt vẫn còn nhiều. Vậy theo ông cần ưu tiên vào nhóm giải pháp nào để đầu tư tư nhân vươn lên?
-Theo tôi, vấn đề quan trọng là Chính phủ cần đẩy mạnh vấn đề số hóa nền kinh tế bằng việc quản lý số. Theo đó, tất cả các thông tin giữa Nhà nước với DN được thông qua mạng internet. Như vậy sẽ giảm được chi phí đi lại, chi phí tiếp cận, chi phí quản lý cho DN. Vì không phải đến cơ quan thuế thì rõ càng đỡ được bao nhiêu tiền chi phí và thời gian đi lại. Chưa kể, như vậy sẽ không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa DN với cán bộ, không phải lo cán bộ xuống cấp về đạo đức vòi vĩnh nữa. Và đó là cái mà hiện nay DN đang rất sợ.
Cho nên, cần số hóa để từ đó làm cho việc quản lý của Nhà nước công khai, minh bạch với tất cả mọi người. Khi đã công khai xử lý các thủ tục, căn cứ chứng từ, giấy tờ trên mạng mà không được giải quyết thì doanh nghiệp có thể kiện. Như vậy rõ ràng các chi phí “gầm bàn”, đi lại, “tiếp cận” sẽ giảm đi rất nhiều. Cải cách về môi trường sản xuất kinh doanh, cải cách môi trường quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
Trân trọng cảm ơn ông!
Công khai minh bạch sẽ không sợ “lợi ích nhóm”, “sân sau”
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trước đây phòng kế toán của doanh nghiệp có 5-7 người nhưng giờ chỉ 1-2 người là được. Nhờ số hóa sẽ tiết kiệm chi phí quản lý cho doanh nghiệp luôn. Cải cách môi trường sản xuất kinh doanh, cải cách môi trường đầu tư sẽ là động lực giúp cho người dân thấy được sự công khai minh bạch, không sợ “lợi ích nhóm”, “sân sau” như trước đây. Công khai minh bạch sẽ là động lực để họ yên tâm “bỏ tiền” ra để kinh doanh. Do đó số hóa nền kinh tế là cái rất quan trọng trong quản lý của Nhà nước.