Kỳ nhân cải lương với cây đàn ‘10 trong 1’
Để chế tạo ra một loại nhạc cụ với 10 loại đàn khác nhau như cây “thập liên cầm” của ông Phước thì khá hiếm, thậm chí là độc nhất vô nhị.
Nằm yên bình bên thượng nguồn sông Tiền thơ mộng, từ lâu cuộc sống của cư dân xứ cù lao Phú Tân (tỉnh An Giang) đã gắn liền với nghệ thuật ca cải lương. Gần như mọi người ở cù lao đều biết và thành thục thứ nghệ thuật dân dã quen thuộc này. Những đàn cò, đàn sến, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn sáo… đều đã thân quen với nhiều người. Thế nhưng, có một lão nông miệt vườn lại có thể “gom” 10 loại của dàn ca cải lương thành 1 cây đàn duy nhất.
Người đó chính là “kỳ nhân” Nguyễn Hồng Phước, 69 tuổi ở thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân). Và cây đàn ấy cũng từng xuất hiện và chinh phục hàng triệu khán giả cả nước qua màn ảnh nhỏ trong chương trình truyền hình “Mãi mãi thanh xuân”.
Ấp ủ cây “thập liên cầm”
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hồng Phước lần đầu trong một ngôi chùa nhỏ ven sông Tiền do có hẹn trước. Dù đã được nghe nhiều nhưng khi nhìn thấy cây đàn “thập liên cầm” (tức 10 trong 1) độc đáo của ông, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng. Nó đơn giản đến bất ngờ.
Gần như không khác biệt nhiều so với những cây đàn khác. Nhưng ẩn chứa sau vẻ bề ngoài bình thường đó là những thanh âm huyền diệu từng khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục.
Hiện, cây đàn này có thể tuỳ ý chuyển thành 10 loại nhạc cụ khác nhau gồm đàn guitar, đàn Hạ Uy Di, đàn sến, đàn độc huyền, đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn violon, đàn bass và đàn gáo. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phước kể từ lâu ông đã ấp ủ chế tạo một cây đàn có thể phát ra nhiều loại âm thanh, của nhiều nhạc cụ khác nhau.
“Do người chơi đàn cải lương thường phải đi nhiều, việc mang vác nhiều nhạc cụ khác nhau rất bất tiện và khó khăn. Thế nên, tôi nảy ra ý định chế tạo cây đàn mà vừa có thể điều chỉnh thành đàn guitar, đàn sến, đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn sáo… trên cùng một khuông gỗ. Mặc dù nói thì đơn giản nhưng thực tế lại không hề dễ dàng như vậy.
Tôi đã bắt đầu chế tạo cây “thập liên cầm” của mình từ hàng chục năm trước. Và cũng gặp không ít thất bại. Ban đầu tôi chỉ có thể ghép được 4-5 loại đàn, ở những khuông nhạc gần giống nhau. Sau đó tôi ghép được 7 và giờ là 10 loại đàn trên cùng khung gỗ này. Tuy nhiên, điều mà tôi tâm huyết là ghép đủ 12 loại đàn khác nhau trên cùng cây đàn này” - ông Phước thật thà kể.
Theo ông Phước, điều khó khăn nhất khi ghép nhiều loại đàn với nhau là kỹ thuật chỉnh âm thanh. Bởi đàn là loại nhạc cụ rất tinh tế, chỉ sai lệch chút xíu dây hay vị trí khuông là âm thanh phát ra đã khác nhau rất nhiều. Vì thế, để có thể ghép nhiều loại đàn mà không ảnh hưởng tới từng loại khi chơi cần kiến thức âm nhạc lẫn khoa học. Và cả sự kỳ công, tỉ mỉ nữa.
Để kiểm chứng sự huyền diệu của cây “thập liên cầm”, lúc gặp gỡ chúng tôi, ông Phước có mời thêm hai người bạn, đều là những lão nông miệt vườn mê đàn, mê ca cải lương. Tất nhiên, với một cây đàn có thể tuỳ chỉnh để chơi 10 loại nhạc cụ khác nhau thì ngoài tác giả của nó, rất khó để có người khác chơi được.
Trong không gian yên bình của ngôi chùa, dưới ánh hoàng hôn loang loáng phía xa xa, chúng tôi đã được nghe những bản nhạc quen thuộc, câu ca cải lương gần như đã trở thành bất tử của xứ sở đồng bằng châu thổ. Đó là những câu vọng cổ Phạm Công Cúc Hoa, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà hay Lan và Điệp, Đêm lạnh chùa hoang, Con sáo sang sông…
Duyên nợ với đàn
Có một cuộc sống đời thường khó khăn và vất vả, công việc thường nhật của ông Phước là một hoạ sỹ miệt vườn. Thực tế, với một hoạ sỹ ở miền quê, công việc của ông không nhiều.
Ngoài vẽ tranh, ông cũng làm thêm các công việc khác như thiết kế hòn non bộ, thiết kế không gian quán cà phê, chùa chiền hay biệt thự… để có tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, theo chia sẻ từ đáy lòng mình, ông Phước bảo ông đam mê nhất là âm nhạc, là những cây đàn.
Ông Phước kể, ông bắt đầu tiếp xúc với nhạc cải lương từ khi còn rất nhỏ, chừng hơn 10 tuổi do cha ông là ông bầu của một gánh hát xưa. Thủa ấy, không chỉ riêng ông mà hầu hết trẻ em xứ sở sông nước này đều yêu và mê say loại hình cải lương. Tuy nhiên, cũng phải rất lâu sau, chừng năm ba mươi tuổi, ông mới chế tạo được cho mình một cây đàn.
Thực tế, với nhiều người chơi đàn cải lương ở miền Tây Nam bộ, chế tạo ra một loại nhạc cụ cải lương để chơi, góp vui với bạn bè không phải chuyện gì quá lớn lao. Thế nhưng, để chế tạo ra một loại nhạc cụ với 10 loại đàn khác nhau như cây “thập liên cầm” của ông Phước thì khá hiếm, thậm chí là độc nhất vô nhị.
Ông Phước kể, với đam mê ban đầu là sở hữu những cây đàn ưng ý để tự chơi, ông bắt đầu mày mò chế tạo đàn ghi-ta, rồi đàn nguyệt… Sau đó, ông tự tìm tòi âm nhạc cũng như chế tạo các loại đàn khác. Rồi dần dần, cơ duyên đến khi ông nhận thấy có thể ghép nhiều loại nhạc cụ với nhau trên cùng một cây đàn. Bởi việc mang vác nhiều cây đàn đôi lúc là quá sức với ông.
Về tâm nguyện hiện nay, ông Phước bảo khác với thế hệ trẻ vài chục năm trước, giới trẻ ở quê miền Tây bây giờ rất ít người ca cải lương. Với lớp trẻ, nghệ thuật cải lương khá xa lạ, bị lẫn vào nhiều loại hình giải trí khác. Tất nhiên, rất ít người trẻ biết chế tác đàn cũng như viết những câu ca cổ như bậc cha anh.
Là người gắn bó trọn đời với đàn ca cải lương, ông Phước thấy thực sự buồn và muốn chia sẻ tình yêu cải lương với các bạn trẻ xung quanh. Đó cũng là thông điệp và lý do để ông chế tạo cây “thập liên cầm” cũng như tiếp tục dành thời gian, công sức tuổi già để chế tạo cây đàn “thập nhị liên cầm”, tức 12 loại nhạc cụ trên một cây đàn. Nhưng không có nghĩa là toàn bộ các bạn trẻ đều “quay lưng” với cải lương.
Ông Phước bảo cũng có một số bạn trẻ ở Chợ Vàm, Phú Mỹ, Cù lao Giêng… rất đam mê loại ca cổ này. Đó là lý do những khi rảnh rỗi, ông thường tìm tới những nơi mà nhiều người đam mê ca cải lương hay gặp nhau để trao đổi, chơi đàn và truyền thụ những kiến thức âm nhạc mình có. Đây cũng là niềm vui, động lực để ông tiếp tục gắn bó với đàn ca cải lương.
Sau này, khi gặp ông Phước nhiều lần nữa, cùng với những bạn bè của ông, tôi mới hiểu rằng: Dù đời sống thường nhật của ông khá khó khăn và công việc thu nhập cũng bấp bênh nhưng không Phước quyết không đem tiếng đàn, cây đàn độc đáo của mình đi mua vui ở các đám tiệc cưới, tiệc thôi nôi, giỗ chạp…
Bởi những sự kiện ở trên, dù có nhiều người mời, nhiều sô biểu diễn và tất nhiên có nhiều tiền nhưng ông Phước cho rằng, những sự kiện đó có thể “phá hỏng” âm nhạc truyền thống nên ông kiên quyết từ chối. Chỉ những chương trình nào thực sự có ý nghĩa, gắn bó mật thiết với đời sống người dân quê miền sông nước ông mới đồng ý tham gia.
Với lịch sử hàng trăm năm tồn tại, nghệ thuật cải lương đã gắn bó mật thiết với đời sống của hàng triệu người dân miền Tây Nam bộ. Rất nhiều những nghệ sỹ ca cải lương như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Phùng Há, Lệ Thuỷ, Ngọc Giàu… với giọng ca bất tử đã được các thế hệ người dân yêu thích, là ấn tượng mãi mãi không phai mờ.
Rồi cả những soạn giả danh tiếng như Viễn Châu, Nhị Kiều, Trần Hữu Trang… cũng đã góp phần tạo ra một không gian cải lương mượt mà, đi vào lòng người mãi mãi. Và ở đó, cũng có những con người thầm lặng, chỉ làm một công việc nhỏ bé là tạo ra những loại nhạc cụ độc nhất vô nhị cho dòng nhạc dân dã mà tha thiết này như ông Nguyễn Hồng Phước vậy.