Gặp mặt và ra mắt sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam'
Sáng 5/7, tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Quỹ Mãi mãi tuổi 20, NXB Hội Nhà văn, Quỹ hòa bình Mỹ Lai và CLB Trái tim người lính, tổ chức buổi ra mắt sách, giao lưu tác giả và nhân chứng lịch sử của bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Tới dự lễ gặp mặt có đại diện Thành đoàn TP HCM; Thư viện ĐHKHXHNV - ĐHQG TP HCM và Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
“Nhật ký thời chiến Việt Nam” là bộ sách gồm 4 tập. Sách của nhiều tác giả, do nhà văn cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên; Mỗi tập sách dày hơn 1.000 trang, khổ 16x24 cm, in ấn trình bày đẹp, sang trọng.
Để có được 4 tập sách này, phải mất thời gian 16 năm (2004 - 2020) nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này.
Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" và CLB "Trái tim người lính" tổ chức thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ sau.
Là Chủ biên của bộ sách, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng đã thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện có “Lời thưa” rất chi tiết, cụ thể dài tới gần 20 trang sách với bạn đọc: "Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…
Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình...".
Thương binh, nhân chứng ông Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát biểu: “Những trang nhật ký trong bộ sách này vô cùng xúc động và ý nghĩa. Không chỉ riêng đối với bản thân tôi mà của nhiều thế hệ. Trên thực tế, nhiều người không ghi lại được nhật ký hay câu chuyện của mình, nhưng những ký ức về thời chiến sẽ mãi mãi đi theo họ trong cuộc sống ngày hôm nay”.
Tại cuộc gặp mặt, nhà báo Đặng Vương Hưng cũng trả lời những thắc mắc của bạn đọc khi hỏi: Trong những cuộc gặp mặt của các cựu binh Hà Nội, có nhắc tới đơn vị 6971. Vậy đó là tiểu đoàn hay đại đội?. Kỳ thực đó là mà ngày tháng nhập ngũ của sinh viên Hà Nội (ngày 6/9/1971). Đó cũng là ngày đánh dấu những sinh viên, chiến sĩ ra đi vào nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị. Nhiều người họ đã hy sinh. Chiến trường Quảng Trị hy sinh nhiều nhất, bi tráng nhất. Những người lính năm xưa đã lấy ngày nhập ngũ để kỷ niệm.
Đánh giá về bộ sách này, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á - Phi) khẳng định: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trungthực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước”.