Không để trẻ bị 'bỏ rơi' 3 tháng hè
TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý hiến kế mỗi gia đình có thể linh hoạt áp dụng các phương pháp tạo sân chơi, môi trường chơi an toàn, bổ ích cho trẻ.
Theo tinh thần Dự thảo mà Bộ GDĐT đang xây dựng, kể từ năm học 2020-2021, Bộ yêu cầu tất cả các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 5/9. Kết thúc năm học vào 31/5 như thường lệ, và học sinh (HS) sẽ có trọn vẹn 3 tháng nghỉ hè.
Thông tin này được các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung đón nhận rất tích cực. Tuy nhiên, không ít người lo ngại, 3 tháng hè trẻ em sẽ làm gì.
Nỗi lo trông trẻ
Đây là nỗi lo thường trực nhất với nhiều bậc phụ huynh khi đón nhận thông tin tăng thời gian nghỉ hè từ năm học sắp tới. Bởi với những gia đình sống cùng ông bà hoặc có người thân ở gần thì việc có người giám sát con trong thời gian nghỉ khá dễ dàng. Nhưng với những gia đình nào không có chỗ gửi con, cũng không có ai ở nhà cùng con thì việc để các con tự xoay xở ở nhà cũng khá đáng ngại.
Con có thể tham gia một vài lớp học thêm năng khiếu, kỹ năng sống… nhưng cũng không thể chiếm trọn vẹn thời gian của con nên câu hỏi đặt ra: Ở nhà con làm gì?
Ngược lại, nếu lựa chọn việc đưa con về quê với ông bà suốt 3 tháng thì không hợp lý vì như vậy bố mẹ và con cái xa nhau quá lâu. Nhà nào gần có thể về thăm nom con hàng tuần nhưng những gia đình ở xa hoặc không có điều kiện về liên tục thì sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái chắc chắn sẽ bị lỏng lẻo.
Đó là chưa kể việc ôn tập kiến thức, rèn giũa một số kỹ năng cần thiết sẽ khó triển khai vì ông bà sẽ khó giám sát được các con. Chưa kể, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro khi môi trường xung quanh đầy rẫy ao hồ, sông suối… có thể khiến xảy ra những tai nạn đáng tiếc chỉ với vài phút lơ là.
Từ góc nhìn của một người mẹ, chị Thanh Thảo (Khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng với những bà mẹ có con đang ở lứa tuổi tiểu học thì việc để con ở nhà một mình rất đáng lo ngại.
Dù rằng nhà chị ở chung cư, thuận lợi là trong tầng lúc nào cũng có người ở nhà nhưng lo ngại người lạ, đa số thời gian con ở trong nhà, chẳng mấy khi mở cửa. Bố mẹ có lắp camera giám sát thì cũng chỉ được một phần.
“Cháu nhỏ vào lớp 1 chưa có khả năng tự học nên nghỉ hè kéo dài, tôi vừa mừng vừa lo con rơi rụng hết kiến thức vì không có người nhắc nhở thường xuyên. Lo ti vi, ipad… khiến con mê mẩn”.
Trăm ngàn nỗi mừng và thêm ngần ấy nỗi lo canh cánh của các bậc phụ huynh khi bủa vây xung quanh con trẻ hiện nay là bao thiết bị công nghệ hấp dẫn, sinh động hơn những cuốn sách, những trò chơi truyền thống mà ông bà, cha mẹ chúng đã chơi. Những lớp học kỹ năng không cho con tham gia thì thấy thiếu mà đăng ký cũng không hoàn toàn tin tưởng con tiếp thu được gì từ những bài học ấy…
Để trẻ không bị “bỏ rơi”
Ngành giáo dục ở từng có những văn bản về việc cấm dạy thêm trong thời gian nghỉ hè. Nay trả lại 3 tháng mùa hè đúng nghĩa cho HS chỉ khi các em thực sự rời xa những áp lực học tập như điểm số, trường chuyên, lớp chọn…
Nếu như nghỉ học ở trường nhưng vẫn vác sách bút miệt mài ôn luyện ở các lớp học thêm, thậm chí có phụ huynh gửi luôn con ăn bán trú từ thứ 2 đến thứ 6 ở nhà cô giáo như một số gia đình hiện nay thì ý nghĩa tích cực việc tăng thời gian nghỉ hè là để các con có thêm cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm mà Bộ GDĐT đưa ra sẽ bị “phá sản”.
Tuy nhiên, trăn trở không học thì trẻ biết làm gì trong 90 ngày sắp tới hẳn là câu hỏi khó tìm lời giải với nhiều phụ huynh. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng theo các chuyên gia, cần xây dựng cho các em những hoạt động phù hợp trong cộng đồng.
Nghĩa là không khóa trái cửa để mặc con cái với ti vi, điện thoại… mong an toàn. Cũng không phải gửi con hết lớp học kỹ năng sống này đến học kỳ quân đội khác tách rời với cộng đồng dân cư địa phương.
TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng mùa hè là thời gian hợp lí để rèn luyện các nội dung mà trong chương trình học chưa đáp ứng được, vì thế, các hoạt động trải nghiệm về giá trị sống, kĩ năng sống là cần thiết. Trong đó các hoạt động thể thao, giáo dục giá trị sống cần được ưu tiên, tiếp đó là giáo dục kĩ năng sống, trải nghiệm khoa học.
“Vai trò của chính quyền địa phương, các đoàn thê cùng vào cuộc trong việc phối hợp, tổ chức một mùa hè có ý nghĩa hơn cho trẻ em rất quan trọng. Nhiều nơi đã huy động các thành phần dân cư tham gia, đóng góp cả vật lực, nhân lực, trí lực. Khi đó, tính chất trải nghiệm và hoạt động cộng đồng còn phát huy được chính vai trò làm chủ của trẻ em. Các em sẽ kết nối cha mẹ, người thân của mình, và có sáng kiến, có khả năng thực thi, tổ chức” - TS Thơ nói.
Để con trẻ không bị bỏ rơi trong 3 tháng hè, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý hiến kế mỗi gia đình có thể linh hoạt áp dụng các phương pháp tạo sân chơi, môi trường chơi an toàn, bổ ích cho trẻ. Trong đó, lưu ý về dụng cụ, hoạt động chơi để trẻ có thể tương tác, các bạn chơi cùng và sắp xếp thời gian biểu hợp lý kết hợp giữa việc chơi mà học, học mà chơi ở các hoạt động khác nhau.
“Có thể áp dụng việc một nhóm phụ huynh trong lớp/trong khu tập thể…. cắt cử nhau luân phiên trông các con để tiết kiệm thời gian và vẫn đảm bảo an toàn cho nhóm trẻ khi các con vui chơi, khám phá những địa điểm ngoài trời” - TS Hương chia sẻ.