Chọn thành tích hay kỹ năng?
Học sinh cần được học cả những điều không có trong sách vở để làm phong phú thêm kiến thức sống.
Thời điểm này dù theo lịch của Bộ GDĐT còn gần 10 ngày nữa năm học 2019-2020 mới kết thúc, nhưng đa phần học sinh (HS) phổ thông đã được thông báo về điểm thi cuối học kỳ II. Nhiều trường học tại Hà Nội cũng đã thông tin về lịch họp phụ huynh tới cha mẹ các em. Có người nói vui, chỉ mấy ngày nữa thôi, trào lưu khoe điểm số, thành tích của con cái sẽ lại tràn ngập mạng xã hội…
Lần đó ngồi quán cà phê, tôi đã vô tình nghe được câu chuyện của một nhóm học sinh THPT xoay quanh chủ đề họp phụ huynh. 3 trong số 5 bạn tỏ rõ sự ưu tư, thậm chí còn hơn thế là nét lo lắng trên gương mặt. Một bạn thốt lên: Tớ sợ nhất mỗi buổi họp cuối năm, về nhà phụ huynh không ngừng so sánh điểm số với bạn A, bạn B…mà không biết rằng ở lớp tớ nó bị bao người ghét (!) vì chỉ biết cắm đầu vào học…
Lý do bạn nọ bị ghét nghe thật trong trẻo, nhưng có lẽ chính là điều mà người lớn bao lâu nay không để ý. Có những ông bố bà mẹ đặt ra những yêu cầu rất cao với con cái về thành tích, điểm số, rằng con phải luôn đứng nhất lớp, thua bạn khác là yếu kém, là vứt đi…
Cũng chính vì phải bằng mọi cách học cho thật giỏi, nên nhiều HS bị hổng kỹ năng sống. Có những HS bậc THPT nhìn con gà được làm sẵn mua ngoài chợ, vẫn nghĩ rằng đó là một giống gà không có lông. Bạn khác thì lại không biết tiêu tiền, bởi ở nhà chưa bao giờ được cho phép tự đi mua sắm.
Không ít học sinh tiểu học được bố mẹ dạy cách cho đi xe đạp tới trường, nhưng thật tiếc chúng không được học cách sửa xe đạp hỏng. Có lẽ cũng bởi những chiếc xe đạp bây giờ mới, đẹp và xịn hơn nên cũng ít hỏng hóc hơn. Thế nhưng một hôm không may đang đi mà xe trục trặc, có những đứa nhỏ đã loay hoay đến phát khóc giữa đường.
Một cô giáo tiểu học kể về trường hợp HS học kém gần nhất lớp của cô, nhưng nhờ vào việc biết chữa xe tuột xích giúp bạn khác mà trong buổi sinh hoạt cuối tuần, cả lớp đã nhất trí gọi bạn ấy là người hùng! Kể từ ấy bạn HS nọ đã không còn bị coi là yếu kém trong mắt cả lớp nữa.
Ấy là chưa kể có những nỗi ấm ức của các HS về đội Sao đỏ trường học. Khi được hỏi về đội Sao đỏ, đa phần các HS đều trả lời “không thích” vì rất hay bị Sao đỏ bắt lỗi, mà toàn những lỗi không đáng, trong khi không có lực lượng nào giúp các bạn hay bị bắt nạt ở trường. Thế nên mới có những chuyện học sinh trường này, trường kia tự đứng ra thành lập hội/nhóm dám đương đầu với những “đại ca” trường học để giúp đỡ những bạn yếu thế.
Kỹ năng sống vốn được hình thành từ môi trường gia đình là chủ yếu. Nhưng giờ đây việc học sinh tiểu học bán trú cả ngày ở trường, thì việc rèn kỹ năng sống trong môi trường học đường rất cần được coi trọng.
Trong Chương trình GDPT mới tới đây, việc đánh giá HS tiểu học không nặng về điểm số mà sẽ chú trọng vào phẩm chất và năng lực người học. Điều này đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực về thành tích, điểm số lên vai con trẻ.
Dẫu thế, nhiều ý kiến lo ngại rằng liệu những kỳ vọng đổi thay có đạt hiệu quả như mong đợi không, khi mà bao lâu nay phương pháp kiểm tra, đánh giá HS nói chung và đánh giá HS tiểu học nói riêng đã trở thành lối mòn; khi mà ở những kỳ thi cuối năm, cuối cấp, HS mắc điểm kém được cả nhà trường và phụ huynh đồng ý tổ chức thi lại cho đến khi các em đạt được điểm đẹp mới thôi; khi mà điểm số của học sinh vừa là “kênh” đánh giá thi đua của giáo viên chủ nhiệm, vừa góp phần làm thỏa mãn cha mẹ; khi mà vẫn còn những HS bị so sánh hãy “nhìn con nhà người ta”...
Cần trả lại cho các em sự hồn nhiên, vô tư đúng nghĩa của tuổi học trò. Các em cần được học cả những điều không có trong sách vở để làm phong phú thêm kiến thức sống.
Đừng đặt áp lực thành tích lên vai những đứa trẻ chập chững bước vào lớp 1. Bởi hành trình học làm người của các em đang còn dài miên man phía trước.