Những mỏ ngọc tử thần ở Myanmar

Đình Tú 06/07/2020 10:12

“Vụ sập mỏ khai thác làm gần 200 người thợ đã chết ở bang Kachin không có gì là chấn động. Dường như lúc nào cũng sẽ có chuyện đó xảy ra. Bởi thế người ta gọi là ngọc máu”- một người thợ mỏ ở thị trấn Hpakant, bang Kachin, Myanmar nói.

Một cơ sở khai thác đá quý tại Myanmar.

Bán mạng và bất chấp

Hpakant là thị trấn nhỏ xa xôi và hẻo lánh thuộc bang Kachin, cách thành phố Yangon của Myanmar 950 km về phía bắc. Tại đây thường xuyên tập trung hàng ngàn công nhân khai thác tại các mỏ ngọc. Thị trấn này vốn được biết đến là một trong những nơi tạo ra sản lượng ngọc bích có chất lượng tốt nhất trên thế giới. Phần lớn ngọc bích khai thác ở đây đều được tuồn sang Trung Quốc.

Theo thống kê của nhà chức trách Myanmar có khoảng 800 cơ sở khai thác ngọc bích hoạt động xung quanh khu vực tập trung hàng chục ngàn công nhân khai thác. Những người này chủ yếu là lao động nhập cư từ các khu vực khác, khiến cho công tác quản lý cũng như việc xác định chính xác số nạn nhân sau các tai nạn gặp nhiều khó khăn.

“Chưa tính họ thường xuyên phải làm việc bên cạnh các đống đất đá được đào lên và chất đống bằng máy xúc, vốn có cấu trúc không ổn định trong mùa mưa. Nó dẫn đến tai họa bất cứ lúc nào”- một người trong công đoàn địa phương nói với giới truyền thông sau vụ sập gần đây nhất.

Đây không phải lần đầu một thảm họa sập mỏ ngọc diễn ra ở thị trấn Hpakant. Trong năm 2015, 2 vụ lở đất diễn ra cách nhau 1 tháng đã cướp đi sinh mạng của gần 200 thợ mỏ. Năm 2018, một vụ sập khác dã làm ít nhất 15 người thiệt mạng và 45 người khác bị thương. “Chúng tôi biết là nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm manh áo và vì ngọc, tất cả đều nhắm mắt làm việc. Nói thẳng ra là chúng tôi bất chấp cả mạng sống để tìm ngọc”- một thanh niên khai thác ngọc nói với Hãng tin Guardian.

Shwe Thein - một người tham gia tìm ngọc bích tại Kachin nói: “Tìm kiếm đá quý theo truyền thống là công việc duy nhất của người dân trong khu vực này. Họ không có lựa chọn sinh kế nào khác”. Còn Zaw Win (20 tuổi) đến từ miền Trung Myanmar bày tỏ: “Nếu ngày nào tôi cũng miệt mài tìm kiếm ngọc ở đây, tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ trở nên giàu có”

Hầu hết công nhân làm việc trong các mỏ với rất ít hoặc không có sự bảo vệ nào kể cả bảo hộ lao động. Theo đánh giá của Tổ chức Global Witness: Họ (những người thợ mỏ) bị bỏ mạng nếu lở đất liên tục xuất hiện trên đầu họ. Nhiều công ty khai thác ngọc bằng mọi cách dù họ có giấy phép chính thức hay không, và tận dụng, khai thác sức lao động của hàng nghìn người lao động”- Global Witness cho biết thêm.

Có thể tốt lên?

Không chỉ tại thị trấn Hpakant, nhiều công nhân ở các mỏ khai thác ngọc ở Myanmar là những người lao động không có giấy đăng ký và sống trong các lều bạt, đến từ khắp Myanmar với hy vọng tìm được vận may, dù cho đổi bằng máu và nước mắt. Cạnh đó là hàng nghìn người đổ về khu vực này để nhặt rác giữa đống đổ nát còn sót lại từ mỏ với hy vọng tìm được quặng ngọc từ những mảnh vỡ của đá.

Theo một ước tính vào năm gần đây, ngành khai thác ngọc bích của Myanmar tạo ra khoảng 31 tỷ USD, gần bằng1/2 GDP của quốc gia này. Tuy nhiên, hoạt động khai thác mỏ ngọc bích tại Myanmar đã hé lộ những góc khuất với hàng loạt vấn đề, hệ lụy như tàn phá môi trường, xung đột cũng như những tệ nạn xã hội khác từ các mỏ khai thác ngọc vốn không được quản lý chặt chẽ.

Ghi nhận của các tổ chức phi chính phủ tại các khu vực khai thác ngọc Myanmar, cuộc sống tại các mỏ ngọc bích vô cùng tồi tệ với nạn nghiện hút tràn lan, tỷ lệ nhiễm HIV cao và hoạt động mại dâm rất phổ biến. “Việc buôn bán heroin tại đây chỉ như bán vé xem phim ngoài chợ, công khai và dễ dàng. Họ không thể kiểm soát bản thân khỏi việc sử dụng chất gây nghiện”- Hãng tin CNN bình luận .

Quốc hội Myanmar đã thông qua dự luật gây tranh cãi về lĩnh vực đá quý, mở đường cho việc cấp phép lại cho các công ty sau hai năm bị cấm. Maw Htun Augn- quản lý của Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên quốc gia Myanmar, bày tỏ lo lắng rằng dự luật sẽ chỉ như một cái cớ để cấp giấy phép khai thác trở lại cho các công ty, trong khi không giải quyết nguyên nhân chính của vấn đề dẫn đến lệnh cấm.

Tổ chức Global Witness nhận đinh: “Rõ ràng, nếu được quản lý công khai, công bằng và bền vững, ngành công nghiệp này có thể biến đổi vận may của dân số Kachin và nhiều nơi có mỏ ngọc và giúp thúc đẩy sự phát triển của Myanmar”.

Đình Tú