Tìm lại chỗ đứng cho tranh cổ động

Minh Quân 06/07/2020 08:14

Tranh cổ động có một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc cũng như nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển, đô thị hóa vai trò của tranh cổ động đang khá “mờ nhạt”, thậm chí bị lãng quên.

Bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh ở khu vực Chợ Mơ trước khi bị tháo dỡ. Ảnh Trường Sơn.

Giá trị bị bỏ quên

Mới đây, giới mỹ thuật đã có một cuộc giải cứu “vô tiền, khoáng hậu” 2 bức tranh cổ động có giá trị di sản của họa sĩ Trường Sinh sáng tác được đặt tại ngã tư Chợ Mơ (Hà Nội). Nguyên nhân, 2 bức tranh này buộc phải phá hủy là để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 2.

Sau khi các cơ quan báo chí “lên tiếng”, mọi người mới biết 2 bức tranh tường do “vua tranh cổ động” Trường Sinh được Nhà nước đặt hàng sáng tác vào năm 1981 - 1982, để chuẩn bị chào mừng 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đến nay vẫn không nằm trong danh mục di tích kiểm kê của Hà Nội. Rất may, với 2 bức tranh này, gia đình và giới họa sĩ đã có những động thái giải cứu.

Trong đó, bức tranh gắn gốm mô tả một cô gái trẻ cầm hoa vẫy chào đón khách ở cửa ô Hà Nội được họa sĩ Trường Sơn tháo từng mảnh mang cất giữ, chờ tạo dựng lại trong không gian riêng của gia đình tại ngoại thành Hà Nội. Còn bức tranh đắp vữa 5 nhân vật được tạo hình khỏe khoắn, trẻ trung nhằm cổ vũ tinh thần đoàn kết của thanh niên trong tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội, đòi hỏi việc di chuyển cả mảng tường.

Trước đó, bức tranh tường cổ động này đã bị phá hủy 1/3. Hiện nay, tranh được một nhóm của Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện kỹ thuật di dời theo hợp đồng với ông Martin Rama- Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 10/2020.

Đặc biệt, mới đây UBND TP Hà Nội, Sở VHTT và UBND quận Ba Đình đang hoàn tất thủ tục cũng như công đoạn di dời bức tranh tường cổ động của họa sĩ Trường Sinh từ khu vực Chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) đến vỉa hè đường Trần Quang Khải (quận Ba Đình) để bảo tồn.

Câu chuyện trên cho thấy với các bức tranh cổ động có giá trị lịch sử, gắn liền với hành trình phát triển của dân tộc hiện đứng trước nguy cơ bị phá hủy bởi nhu cầu đô thị hóa. Hầu hết các tác phẩm nếu không được xếp hạng hoặc có trong danh mục di tích nếu chỉ cần “lơ là” sẽ bị phá hủy ngay lập tức và khó lòng có cơ hội phục hồi lại.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận bảo tồn, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Ở Việt Nam hiện còn thiếu nghệ thuật đô thị như tượng đài, tranh cổ động. Mọi người đang mải mê việc khác không quan tâm giá trị đó.

PGS Hưng cũng bày tỏ, nếu quan sát những người sưu tập tranh cổ động sẽ thấy có trường hợp người sưu tập không nghĩ tranh cổ động của Việt Nam có gì ghê gớm nên bỏ chúng đi. Trong khi nhiều người nước ngoài sưu tầm tranh cổ động Việt Nam và những bức tranh này trở thành có giá trị cao. Không chỉ từng bức tranh có ý nghĩa riêng, mà nó đánh dấu một giai đoạn, một thời kỳ của đất nước.

Tìm lại chỗ đứng

Có thể nói, đến nay vai trò của tranh cổ động khá mờ nhạt. Mặc dù, hàng năm vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Bộ VHTDL đều phát động các cuộc thi sáng tác tranh cổ động trên toàn quốc, thế nhưng dường như sự “mặn mà” đã không còn được như xưa. Nếu không nói chỉ là đây chỉ còn là “sân chơi” của các họa sĩ “lão làng”.

Nguyên nhân một phần là dù có một quá khứ rất đáng tự hào nhưng trong đời sống mỹ thuật hiện đại, tranh cổ động dường như vẫn chưa được đánh giá đúng vị trí, chưa thật sự trở thành mối quan tâm của nhiều họa sĩ.

Thêm nữa, trên thực tế, họa sĩ vẽ tranh cổ động không dễ sống được bằng nghề, mà phải làm thêm nhiều việc khác. Vấn đề bản quyền tranh cổ động cũng còn bất cập khi một số họa sĩ than phiền rằng tranh của họ thường xuyên bị in sao bán ngoài thị trường mà không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Theo NSND, họa sĩ Phạm Minh Trí, công nghệ số phát triển đang hỗ trợ cho ngành đồ họa một cách mạnh mẽ, các họa sĩ trẻ được học hành, có phương tiện hỗ trợ đầy đủ nên ngôn ngữ cũng mạnh mẽ, hiện đại hơn. Nhưng tranh cổ động hiện nay lại không có được sự phát triển tương xứng bởi thiếu sự tham gia tích cực vào các vấn đề chính trị, xã hội. Các họa sĩ trẻ có nhiều mối quan tâm khác nên tranh cổ động đang bị chững lại.

Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Đăng Phú cũng thừa nhận: So với những tác phẩm ra đời cách đây nhiều chục năm thì có cảm giác tranh cổ động hiện nay đang “dậm chân tại chỗ”. Các tác giả vẫn vẽ theo lối cũ như người ta thường nói vui “Trời xanh mây trắng nắng vàng/ Công, nông, trí thức xếp hàng tiến lên”...

Minh Quân