Hà Nội không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng
Hà Nội sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020 theo nghị quyết đã thông qua, nhưng đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2020.
Tại phiên khai mạc thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra sáng nay 6/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Hà Nội. Kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4 đầu năm và phục hồi trở lại giữa tháng 5 và tăng trưởng khá mạnh vào tháng 6.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn khá nhiều, gấp 1,82% so bình quân chung của cả nước (chỉ đạt 1,81%) và trong điều kiện tăng trưởng chung toàn cầu năm 2020 dự báo âm 4,9% theo dự báo mới nhất của IMF. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,94%.
Nông nghiệp từ tăng trưởng âm 1,17% trong Quý I, đã tăng trưởng 3,5% trong Quý II, 6 tháng tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 1,15% so với cùng kỳ 2019.
Là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất, nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng 2,59% so với cùng kỳ, đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành công thương và du lịch, dịch vụ trong kích cầu nội địa.
“Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thành phố không điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020 theo nghị quyết đã thông qua”, Bí thư Vương Đình Huệ nói. Theo đó, Hà Nội đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2020 để chỉ đạo, điều hành.
Với kịch bản 1: tăng trưởng Quý III đạt 7,8%, Quý IV đạt 8,4% và dự báo cả năm đạt 5,9%. Kịch bản 2: tăng trưởng Quý III đạt 6,9%, Quý IV đạt 7,4% và dự báo cả năm đạt 5,4%). Với 2 kịch bản như trên, GRDP của Hà Nội năm 2020 tăng khoảng 5,4% (trung bình 5 năm 2016-2020 đạt 6,96%), phấn đấu đạt mức tăng cao hơn, khoảng 5,9% (trung bình 5 năm 2016-2020 đạt 7,06%).
Tại phiên họp, ông Vương Đình Huệ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả Kết luận số 77 ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.
Cần khai thác tối đa thị trường trong nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Khai thác triệt để các nguồn lực của mỗi quận, huyện với phương châm “góp gió thành bão” để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, phấn đấu GRDP tăng gấp 1,3 lần so với cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của thành phố.
Để hoàn thành những nhiệm vụ đề ra, ông Vương Đình Huệ yêu cầu cần làm rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm 2020 phù hợp yêu cầu và tình hình thực tiễn của Thủ đô.
Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Thường xuyên rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thực hiện số hóa, phát triển thành phố thông minh và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Tiếp tục giám sát việc thực hiện nghiêm túc bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố; tuyên truyền và vận động người dân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao ý thức tự giác, tinh thần phục vụ, vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc dân sinh ngay từ cơ sở của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tăng cường giám sát công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, xử lý chất rác thải sinh soạt….bảo đảm tuyệt đối không chủ quan, không để tái phát dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Phấn đấu từ nay đến cuối năm, tạo được những chuyển biến căn bản và rõ rệt về những vấn đề dân sinh, nhất là cung cấp nước sạch nông thôn ở những địa bàn còn khó khăn (như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh…), cải thiện chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông và quản lý, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới.