Sẽ quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng
Thành phố dự kiến quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng, tạo 2 bờ đê tích hợp thành 2 con đường... Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói tại phiên họp HĐND TP Hà Nội chiều nay, 6/7.
Sớm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng
Trả lời đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu Thanh Xuân) về vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, “Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội, đáng lẽ tại phiên họp HĐND TP vào đầu tháng 12/2017, Ban cán sự Đảng UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), và Viện Quy hoạch của Bộ NN & PTNT thực hiện quy hoạch phân lũ theo Quyết định 217 của Thủ tướng. Nhưng sau đó hoãn nội dung này”.
Ông Chung cho biết, tiếp đó, vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng vướng vào Luật Quy hoạch, trong đó, phải làm được quy hoạch phân lũ mới làm được quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng. Do đó, thẩm quyền hiện nay không thuộc UBND và HĐND TP Hà Nội.
“Sắp tới, Hà Nội có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, Hà Nội sẽ đề xuất giải pháp, trong đó, Bộ có thể ủy quyền cho Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện quy hoạch. Thành phố cũng dự kiến quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng, tạo 2 bờ đê tích hợp thành 2 con đường...
Ngoài ra, phải làm được quy hoạch phân lũ thì gần 900 nghìn người dân dọc khu vực nội đô từ các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên... có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng”, Chủ tịch TP Hà Nội nói.
Liên quan đến công tác quy hoạch, ông Nguyễn Đức Chung cho biết trước đây HĐND thành phố rà soát có 383 dự án chậm triển khai, nguyên nhân là sau khi sáp nhập địa giới hành chính thành phố, các dự án này phải chờ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì mới lập được quy hoạch chi tiết. Trong 1 năm vừa qua UBND đã giải tỏa được 64 dự án, riêng huyện Mê Linh đã giải quyết 29/47 dự án. Thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án.
Gỡ khó cho doanh nghiệp, và sản xuất
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã giãn hoãn 17.500 tỷ đồng, bằng 45% so với cả nước cho cộng đồng doanh nghiệp.
TP cũng đã chuyển 1.020 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ nghèo, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay phát triển sản xuất, đồng thời rà soát, đề xuất giãn hoãn tiền thuê, sử dụng đất cho các doanh nghiệp.
Đối với công tác xử lý nợ đọng thuế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ các doanh nghiệp nợ đọng thuế khoảng trên 30.000 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp có khả năng trả nợ 15.000 tỷ đồng; trên 15.000 tỷ đồng còn lại chủ yếu các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ kéo dài nhiều năm, qua các thời kỳ.
TP Hà Nội đã báo cáo Bộ Tài chính, và Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ, trình Quốc hội, đề xuất có thể giảm, hoãn, cắt nợ cho các doanh nghiệp không thể trả nợ bởi họ đã bị phá sản, quá trình kinh doanh gặp khó khăn của thập kỷ trước đây.
Đối với 15.000 tỷ đồng có thể thu hồi, UBND TP đã báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ, trực tiếp Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Ban thu hồi nợ đọng của TP, đồng thời đề ra kế hoạch với Cục Thuế Hà Nội, báo cáo Bộ Tài chính.
“Nếu doanh nghiệp không nộp thuế, TP có thể giao Cục Thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Đối với các doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ liên quan nợ đọng thuế, UBND TP sẽ không cho các doanh nghiệp này triển khai các dự án mới”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin.