Sở Thông tin và Truyền thông có quyền phạt báo Trung ương
Sở Thông tin và Truyền thông có quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ quan báo chí của Trung ương, hoặc báo chí của thành phố khác nếu đưa thông tin sai sự thật về vấn đề của địa phương mình.
Ngày 6/7, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy: Công tác báo chí tuyên truyền đã thực sự trở thành một trong những lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.
An toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các giá trị của báo chí được thể hiện rất rõ nét. Thông tin được chứng thực, đưa thông tin hướng dẫn phòng, chống dịch và đưa thông tin vì lợi ích cộng đồng.
Về định hướng mục tiêu chính của Bộ Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng cuối năm 2020, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ này cho biết: An toàn thông tin, an ninh mạng là yếu tố sống còn, là yếu tố then chốt đẻ chuyển đổi số thành công, phần xuyên suốt không thể tách rời của chuyển đổi số. Do đó trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đôn đốc hỗ trợ các bộ, ngành địa phương triển khai mô hình “4 lớp” đảm bảo an toàn an ninh mạng, đến cuối năm 2020 tỷ lệ này sẽ đạt 100%.
Cũng theo ông Tâm: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ chi cho an toàn an ninh mạng lên tối thiểu 10% tổng chi cho công nghệ thông tin các bộ, ngành địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp ra thị trường tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa đạt 80% nhằm đáp ứng sử dụng các sản phẩm an toàn an ninh mạng của Việt Nam.
Đến cuối tháng 9 cơ bản sắp xếp, quy hoạch xong báo chí
Liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan báo chí thuộc địa phương và các bộ ngành, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo thời hạn cho phép là cuối năm 2020 phải xong nhưng Bộ đặt ra kế hoạch đến ngày 30/9 cơ bản phải xong.
Hiện 2 thành phố có nhiều cơ quan báo chí là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi sắp xếp lại các cơ quan báo chí.
Về quản lý báo chí trong thời gian tới, theo ông Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ các bộ, ngành địa phương trong việc cùng chung tay quy hoạch báo chí, và đảm bảo cho báo chí hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, ngăn chặn các sai phạm.
Cũng theo ông Lâm, Bộ sẽ tăng mạnh quyền lực quản lý báo chí cho địa phương thông qua việc Bộ đã trình Chính phủ, và khả năng sẽ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 159 về xử phạt báo chí trong lĩnh vực xuất bản. Trong đó mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với báo chí Trung ương cho các địa phương.
Có nghĩa Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương tới đây có quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với các cơ quan báo chí của Trung ương, hoặc báo chí của thành phố khác nếu cơ quan báo chí đó đưa thông tin sai sự thật về vấn đề của địa phương mình.
Có thể mở rộng những hành vi xử phạt vi phạm về tôn chỉ mục đích. Không phải đến khi bài báo được đăng mà ngay hành vi Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập ký giấy giới thiệu cho phóng viên đi tìm hiểu vấn đề sai với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị: Trong thời gian tới các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của bộ, ngành và địa phương tham mưu cho các bộ ngành và địa phương ra nghị quyết chuyên đề của cấp ủy và chiến lược chuyển đổi số của cấp chính quyền ngay trong năm 2020.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan chính quyền phải thực hiện bảo vệ “4 lớp” ngay trong năm 2020.