Nghị quyết của tinh thần Mặt trận

Dạ Yến 07/07/2020 09:00

Nghị quyết “Vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” vừa được Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 2, khóa IX thông qua như một quyết tâm mạnh mẽ hơn của người Mặt trận trước những thử thách cam go mà đất nước đang trải qua, đó là phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Các đại biểu thông qua Nghị quyết tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai, khóa IX.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai, khóa IX.

Trong nhiều nghị quyết của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thông qua ở mỗi kỳ họp, những nghị quyết mang tính chuyên đề như “Vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” không phải là hiếm.

Đó là vì ở mỗi giai đoạn khó khăn đặc biệt của đất nước cần sự quyết tâm đồng lòng của cả dân tộc để vượt qua thì hơn ai hết, Mặt trận là nơi tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc phát đi lời hiệu triệu của mình bằng nghị quyết hay lời kêu gọi, thông qua những việc làm cụ thể, mục tiêu cụ thể để đi đến đích cuối cùng chính là đoàn kết toàn dân, vượt qua những cam go thử thách.

Còn nhớ, ngay khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi Toàn dân ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19. Sau nhiều tháng triển khai, số tiền, hiện vật mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đồng bào ta ở nước ngoài ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền ủng hộ thông qua Mặt trận lớn nhất từ trước tới nay.

Điều này thể hiện cho niềm tin của người dân vào sự công khai minh bạch của Mặt trận trong công tác tiếp nhận hỗ trợ và giám sát hỗ trợ. Nhưng lớn hơn cả một con số là những ân tình mà người Việt Nam đã dành dụm cho nhau. Đó là tài sản vô giá, là truyền thống “tương thân tương ái” bao đời của người Việt Nam được kết tinh dưới mái nhà Mặt trận.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có thành công bước đầu trong việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên Covid-19 vẫn gây ra sự đứt gãy cho chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chao đảo hầu hết các nền kinh tế trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nhưng đại dịch cũng là một phép thử để mỗi quốc gia dân tộc như Việt Nam thể hiện bản lĩnh, vượt lên chính mình.

Từ việc ra Lời kêu gọi Toàn dân ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19 cho đến Nghị quyết “Vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” đã cho thấy trách nhiệm của tổ chức Mặt trận trong hệ thống chính trị mà còn thể hiện cho tinh thần Mặt trận, tấm lòng Mặt trận trong những bước chuyển mình quan trọng của đất nước.

Theo đó, Nghị quyết tập trung vận động toàn dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. Thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực lao động sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, huy động nhiều nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết này hướng tới là việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong điều kiện mới.

Có thể nói, hơn 10 năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm tốt sứ mệnh của mình là từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt. Tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Điều này cho thấy, cuộc vận động đã phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.

Trong nhiều năm qua, với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương để nêu cao tinh thần chủ đạo của cuộc vận động.

Trong đó người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của các Ban Chỉ đạo, các đơn vị liên quan cần tiếp tục cố gắng, sáng tạo, tìm ra cách làm phù hợp với thực tiễn trong triển khai thực hiện cuộc vận động nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng hóa Việt Nam và không để đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt.

Với tinh thần này, ở vào thời điểm cả đất nước bắt đầu tiến hành phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Nghị quyết chuyên đề của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc tổ chức phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Việc MTTQ Việt Nam làm mới cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng cách tổ chức phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” là một sự thích ứng rất kịp thời để động viên người dân và các nhà sản xuất tiêu thụ và sản xuất hàng Việt trong bối cảnh nguồn cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy bởi dịch bệnh.

Tin rằng, từ sức sống mạnh mẽ của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” sẽ kêu gọi và tác động trực diện vào sự tự tôn, niềm tự hào của người dân khi dùng hàng Việt. Phong trào này cũng sẽ góp sức cùng các doanh nghiệp khẳng định thương hiệu Việt Nam, tình yêu Việt Nam bằng những sản phẩm chất lượng dành cho chính đồng bào của mình.

Dạ Yến