'Chưa học hết năm nay, con tôi đã lo học chạy hè cho kịp năm sau'!
Nhiều phụ huynh mừng lo lẫn lộn trước thông tin học sinh sẽ nghỉ hè 3 tháng từ năm học sau, các trường không được tổ chức dạy thêm, dạy trước khai giảng.
Mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến, từ năm học sau, học sinh các cấp sẽ được nghỉ hè 3 tháng trọn vẹn, từ 31/5 đến ngày khai giảng 5/9. Trong thời gian này, Bộ GD-ĐT nghiêm cấm các trường tổ chức học thêm, dạy thêm, học trước chương trình dưới mọi hình thức.
Có 3 con học ở cả 3 cấp từ Tiểu học đến THPT, chị Vũ Hiền (Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra vui mừng và ủng hộ việc nghỉ hè 3 tháng, không học trước khi khai giảng của Bộ GD-ĐT.
“Các con học 9 tháng đã rất vất vả, áp lực, nên nếu có nhiều thời gian nghỉ hè, con sẽ có thể thư giãn, về quê, đi chơi xa, lấy lại năng lượng và chuẩn bị cho năm học mới. Gia đình tôi không đặt nặng quá vấn đề kiến thức, hay ép con phải học để được học sinh giỏi, xuất sắc, học trường chuyên, lớp chọn, chỉ cần con tiếp thu được kiến thức bình thường, nhưng có thêm thời gian trau dồi kỹ năng sống, khám phá những thứ xung quanh để phát triển toàn diện. Điều này mới thực sự quan trọng”, chị Hiền chia sẻ.
Lo học đuổi cho kịp thi vì không được học hè
Chị Nguyễn Thu Thanh (Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng, việc nghỉ cả 3 tháng hè chỉ nên áp dụng với học sinh tiểu học, với học sinh cấp THCS và THPT, có thể bắt đầu đi học sớm trước khai giảng từ tháng 8 như mọi năm để bắt nhịp với chương trình. Có con đang học lớp 11, chuẩn bị lên lớp 12, chị Thanh băn khoăn rằng, việc cấm các trường không dạy học vào thời gian nghỉ hè sẽ khó khăn cho việc ôn thi của học sinh cuối cấp. Phụ huynh này cho biết, dù chưa kết thúc chương trình lớp 11, nhưng con chị đã nhận được thông báo của của giáo viên chủ nhiệm về việc “có thể” phải tập trung học trước một số môn “phụ” của lớp 12 để năm học tới có thời gian học các môn thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học do không được học hè.
“Cô giáo cho biết có thể học sinh phải học trước một số môn để kết thúc năm học sớm, dành thời gian ôn tập, đúng với quy định của Bộ GD-ĐT không học trước ngày 5/9. Để thuận tiện, Bộ nên quy định đặc biệt với những học sinh cuối cấp”, chị Thanh cho biết.
Lo con mình “tụt hậu”
Ủng hộ việc nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, chị Lê Hoàng hy vọng con có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất, trải nghiệm hay những trại hè dài ngày để rèn luyện kỹ năng sống. Song chị Lê Hoàng cũng không khỏi lo ngại về việc con sẽ bị “tụt lùi” phía sau so với các bạn nếu không đi học thêm.
“Chắc chắn không chỉ mình tôi lo ngại điều này, nhiều phụ huynh khác cũng không muốn con phải học nhiều, nhưng thấy những bạn khác đi học thêm, nếu con không học, sẽ không thể theo kịp khi vào năm học và đương nhiên phải chịu thêm những áp lực khi đến trường, do đó vẫn quyết định tìm lớp học cho con. Quy định kéo dài thời gian nghỉ hè sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi Bộ có biện pháp quản lý chặt việc dạy thêm, học thêm tràn lan, đảm bảo công bằng cho học sinh. Vì nếu không học ở trường, cũng không thiếu những chỗ học thêm khác’, chị Lê cho biết.
Phụ huynh này cũng lo ngại rằng, nếu trẻ nghỉ hè quá lâu, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc trông giữ con khi không có ông bà hay người giúp việc phụ giúp. Với những gia đình có con nhỏ, thậm chí bố mẹ phải vừa đi làm, vừa thay phiên nhau đưa con lên cơ quan để vừa làm vừa trông con. Thiếu thời gian chơi với con, nhiều phụ huynh phải nhờ đến các thiết bị thông minh để trông con như máy tính, điện thoại. Chị Lê cho rằng, việc trẻ vào mạng quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ các bệnh về mắt, bên cạnh đó tiềm ẩn những huy hiểm khi trẻ truy cập vào những trang website xấu, hoặc bị dụ dỗ, tấn công trên môi trường mạng.
Chị Lê Hoàng cho rằng, không nên ép trẻ học nhiều trong thời gian nghỉ hè, nhưng có thể cho trẻ đi học trước khi khai giảng 2 tuần để bắt nhịp lại với việc học. Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ hè, thay vì học kiến thức, các trường có thể tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, các lớp học kỹ năng để trẻ tham gia.
Chưa hết năm học, tôi đã nhận được lời nhờ dạy thêm từ phụ huynh
Cô Nguyễn Thu Hường, một giáo viên tiểu học tại Hải Dương chia sẻ thật, từ nhiều năm nay các trường vẫn có thời gian dạy trước khai giảng để học sinh làm quen với việc học. Bộ GD-ĐT nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm, nhưng thực tế, học sinh của cô lại học thêm nhiều hơn cả trong năm học. Không học thêm ở trường, phụ huynh vẫn tìm mọi cách để con học bên ngoài, bởi vậy, không có chuyện học sinh có có 3 tháng nghỉ hè trọn vẹn.
“Chưa kết thúc năm học, đã có nhiều phụ huynh gọi điện, nhờ riêng tôi dạy kèm cho con dịp hè. Tôi biết rằng dù tôi không dạy thì các phụ huynh vẫn tìm chỗ khác cho con học, bởi khi vào năm học mới, nhiều cháu đã biết trước kiến thức cả kỳ học 1, lên lớp chỉ mang tính học ôn tập lại”, cô Hường cho biết.
Vừa là một giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh, cô Hường ủng hộ việc nghỉ hè 3 tháng và nghiêm cấm dạy thêm. Giáo viên này cho rằng, việc nghỉ học dài ngày, học sinh quên kiến thức là điều bình thường, nhưng khi quay lại năm học mới, chỉ mất vài buổi dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em lại có thể nhớ lại những kiến thức cũ, nên việc này không đáng ngại. Nếu có giải pháp cấm triệt để việc học thêm, học trước chương trình sẽ tạo ra mặt bằng chung của học sinh trong lớp, giảm áp lực cho các em khi vào năm học mới.
Cô Nguyễn Thu Hường cho rằng, việc nhiều phụ huynh đang ép con học thêm quá nhiều dịp hè đã vô tình “đánh cắp” tuổi thơ, những cơ hội trải nghiệm của con. “Chúng ta vẫn bắt gặp ở đâu đó những bài văn ngây ngô của học sinh trên mạng của học sinh như tả con gà trụi lông ngồi bàn thờ ngậm hoa. Đơn giản vì nhiều em thiếu kỹ năng sống, thiếu cơ hội được trải nghiệm và khám phá thế giới xung quanh. Bố mẹ không nên nghĩ rằng học chỉ là những kiến thức trong sách vở, điểm số, mà con còn có thể học từ chính những thức trong cuộc sống tự nhiên. Từ trí tò mò, trẻ sẽ tự khám phá, tìm hiểu, từ đó hình thành sự tự học, những kiến thức này dễ tiếp thu hơn nhiều so với việc ngồi vào bàn học và học qua sách vở”, cô Hường nói.
Cô Nguyễn Thu Hường cho rằng, phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho con tham gia các hoạt động hè như bơi lội, tập làm việc nhà để biết giá trị của lao động, biết chia sẻ công việc với những người khác, tham gia các trại hè hay các chương trình sinh hoạt hè tại địa phương...
“Nếu có một kỳ nghỉ hè thực sự thú vị, các con sẽ có nhiều năng lượng hơn để bắt đầu năm học mới, bố mẹ không nên gây nhiều áp lực học hành cho con, thay vào đó nên đồng hành và cùng tìm cho con những hoạt động bổ ích mùa hè”, cô Hường nhấn mạnh.