Hôm qua & Hôm nay
Hôm qua và Hôm nay là một đề tài muôn thuở trong văn chương chữ nghĩa, trong văn hóa giáo dục và trong cuộc sống đời thường.
Cách đây 80 năm, trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” có một bài thơ giáo dục trẻ em rất hay, ai cũng thuộc lòng, ai cũng muốn làm theo bài thơ dạy bảo: “Một cậu bé truyện trò cùng mẹ/ Rằng: Đến mai con sẽ xin ngoan/ Đến mai con sẽ xin ngoan/ Đến mai con lại khất hoàn ngày kia./ Con ơi, con chớ hề nói thế/ Việc hôm nay chớ để ngày mai/ Chi bằng, con nói thế này:/ Mẹ ơi, con sẽ ngoan ngay bây giờ”.
Quả thực, 80 năm đã trôi qua, câu chuyện giữa mẹ và con ở đầu thế kỷ trước trong bài thơ ngắn nêu trên đã giúp bao thế hệ khôn lớn, trưởng thành nhờ những lời thơ mộc mạc, dễ hiểu ấy.
Ngày nay, khái niệm Hôm qua và Hôm nay có gì giống nhau và có gì khác nhau. Sau đây là bảng thống kê tóm tắt:
Giống nhau: Hôm qua và Hôm nay đều: Cơm ăn ba bữa. Quần áo mặc cả ngày!
Khác nhau:
Hôm qua
Hôm nay
Là một quả trứng gà
Đã nở thành con gà con
Cô M chưa nhận lời cầu hôn
Cô M đồng ý ra Ủy Ban đăng ký kết hôn
Cụ X còn sống
Cụ X đã ra đi, thọ 100 tuổi
Chưa xin được Visa đi Mỹ
Đã nhận được Hộ chiếu có Visa đi Mỹ
Hệ Tiêu hóa bình thường
Viêm ruột thừa cấp, phải phẫu thuật ngay
Ăn uống bình thường
Bị hóc xương phải đi cấp cứu
Đặc sắc của từ “hôm” trong tiếng Việt, theo "Từ điển tiếng Việt", thì: “Hôm là: 1/Thời gian buổi tối. Thí dụ: Đầu hôm. Lúc đêm hôm. “Ăn bữa hôm, lo bữa mai” (tục ngữ). Cảnh chiều hôm. Sao hôm. 2/Khoảng thời gian thuộc về một ngày. Thí dụ: Cách đây 3 hôm (tức là 3 ngày đã qua). Đêm hôm ấy (đã qua). Vài hôm nữa (sẽ xảy ra)”.
“Hôm kia là ngày liền trước ngày hôm qua, cách hôm nay 1 ngày. Thí dụ: Anh An hôm kia đến và ngày kia đi (đến cách đây 1 ngày và 1 ngày nữa thì đi)”.
“Hôm nay là ngày hiện tại, khi đang nói. Thí dụ: Hôm nay là ngày nghỉ. Hôm nay tôi về muộn nhé. “Lữa lần ai biết vẫn còn hôm nay” (Nguyễn Du)”.
“Hôm qua là ngày liền trước hôm nay. Thí dụ: Anh ấy mới đi hôm qua”.
“Hôm sớm là buổi tối và buổi sáng, cả ngày lẫn đêm, chỉ sự thường xuyên, luôn luôn. Thí dụ: Hôm sớm có nhau. “Hương hoa hôm sớm phụng thờ” (Nguyễn Du).
Mở rộng nghĩa của chữ Hôm trong Hôm qua, Hôm nay có nhiều thú vị và phong phú đến kinh ngạc.
Một nhà triết học danh tiếng của nước Anh đã dạy con người: “Đừng tiếc cái hôm qua, đừng bỏ cái hôm nay, đừng đợi cái ngày mai”. Đây là một triết lý quan trọng vào bậc nhất trong lẽ sống của từng cá nhân con người. Trước hết phải hiểu thật đúng định nghĩa sau đây: “Cái hôm qua là quá khứ. Cái hôm nay là hiện tại. Cái ngày mai là tương lai”. Hiểu đúng định nghĩa rồi lại phải căn cứ vào độ tuổi: tuỏi trẻ hay tuổi già mà có cách nhìn khác nhau về những cái hôm qua, cái hôm nay.
Có cái nhìn triết học, xa thẳm, chắt lọc đến cao độ: “Một nghìn năm đã qua rồi mà xem như mới hôm qua, giống như cái đồng hồ trong đêm tối”. Cái đồng hồ trong đêm tối, chỉ nghe tiếng tích tắc, tích tắc mà không nhìn được là mấy giờ, mấy phút. Đời người, cũng như lịch sử, một thoáng đã là chục năm, đã là trăm năm, tùy theo tâm trạng, tùy theo cách nhìn mà cho là dài, là ngắn, là nhanh, là chậm, là vui, là buồn, là sầu thảm, là nhớ nhung, là luyến tiếc.
Nhà triết học danh tiếng người Italia, Luigi Pirandello (1867 – 1936) đã khái quát một cách tài tình: “Ngày thì chói chang, đêm thì thuộc về mộng tưởng và chỉ có hoàng hôn là đủ sáng cho con người. Bình minh là dành cho tương lai, trời tĩnh lặng thì dành cho dĩ vãng”. Định đề triết học ngắn ngủi này đã là đề tài để thi Tú tài Văn chương, để làm luận văn tốt nghiệp Đại học Văn khoa vì nó quá hay, quá khái quát, quá dễ hiểu.
Trước tiên nói về ngày mai, tức là tương lai, tức là hy vọng, tức là tràn đầy năng lượng. Vậy thì đó phải là Bình minh, phải là ánh Thái dương rực rỡ bầu trời, huy hoàng và lộng lẫy, không có gì che lấp được, không có gì ngăn cản được. Bởi vì đó là Hy vọng của Tương lai, một thúc đẩy của xu thế, một nhẩy vọt của quy luật.
Còn khi nói về dĩ vãng, tức là quá khứ, tức là Hôm qua, tức là nói về những sự đã xẩy ra rồi, dù xấu dù tốt cũng đã đi qua rồi thì cứ lặng lẽ mà đánh giá, cứ bình thản mà rút kinh nghiệm. Chớ có ồn ào. Vì sao? Vì chả ai dại gì mà lấy quá khứ để làm chuẩn mực cho tương lai. Đấy là chưa kể đến sự tàn phá của thời gian, sự tàn phá của quy luật “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”.
Phân tích thêm một ý quan trọng trong danh ngôn đã nêu của Luigi Pirandello theo công thức tóm tắt sau:
Ngày = Chói chang
Đêm = Mộng tưởng
Hoàng hôn = Con người
Công thức này thú vị ở chỗ nó cảnh tỉnh con người. Nhiều triết gia quá đề cao vai trò của con người mà quên mất quy luật của ngày, quy luật của đêm. Vì thế thất bại thảm hại!
Nhiều triết gia khác lại đánh giá thấp vai trò của con người, quá đề cao quy luật của ngày, quá đề cao quy luật của đêm. Vì thế cũng thất bại thảm hại!
Thực ra không nên phân biệt phương Đông hay phương Tây trong nhận thức về vai trò của con người trong vũ trụ. Có người tóm tắt mối quan hệ: “Thiên – Địa – Nhân” (Trời, đất và con người) với nhận thức phải hợp lý, hài hòa, nâng đỡ, ôn hòa, thuận lẽ trung dung, thuận lẽ công bằng mới thực sự có kết quả lâu dài và bền vững.
Trở lại với đầu bài “Hôm qua và Hôm nay”, theo nghĩa rộng tức là nói đến thời gian. Mà nói đến thời gian là nói đến một vấn đề muôn thuở với nhiều danh ngôn quan trọng. Chỉ cần nhớ kỹ 3 danh ngôn sau:
Danh ngôn 1: Đại văn hào người Pháp, Pierre Corneille (1606 – 1684), người góp phần tạo ra “Thế kỷ ánh sáng” đã khẳng định một chân lý đến muôn đời vẫn đúng, đó là: “Thời gian là một ông thầy vĩ đại, ông ấy biết cách dàn xếp mọi việc”. Câu này có từ cách đây 400 năm. Càng có độ lùi thời gian người ta càng thấy đúng. Sau đây hàng trăm năm nữa nó cũng vẫn sẽ đúng. Khỏi phân tích hay lấy thí dụ thêm làm gì vì nó quá chuẩn, không cần chỉnh và cũng không thể chỉnh thêm được gì nữa.
Danh ngôn 2: Pierre de Ronsard (1524 – 1585), nhà thơ nổi tiếng của nước Pháp đã nhắc nhở và cảnh báo con người về cái vĩ đại của ngày hôm nay, cái quan trọng của ngày hôm nay khi ông viết: “Hãy hái ngay ngày hôm nay những đóa hoa hồng của cuộc đời” (Cueillez dès aujourd’hui les roses de la vie). Theo cái tư tưởng thiết thực này của Ronsard, nhiều tiểu thuyết, nhiều vở kịch, nhiều phim điện ảnh đã ra đời và đã thu hút được trái tim hàng triệu triệu con người. Vì sao? Vì tư tưởng này quá đúng, quá chuẩn khỏi phải bàn gì thêm nữa.
Danh ngôn 3: Martial là nhà triết học La tinh cổ đại (Từ năm 40 đến năm 104 sau Công nguyên) đã để lại cho đời danh ngôn lừng danh sau đây: “Không phải là một kẻ khôn ngoan khi nói rằng: Tôi sẽ sống. Thật quá chậm để sống ở ngày mai, hãy sống với hôm nay”.
Để khép lại bài viết tạm gọi là kỹ năng sử dụng khái niệm Hôm qua và Hôm nay, đối với người trưởng thành cần xác định rõ cái Mục đích chủ yếu của cuộc đời mình là gì. Khi đã có được cái mục đích ấy rồi thì cứ theo lời dạy của đại thi hào Gœthe mà quyết tâm phấn đấu: “Điều quan trọng trong đời ta là có mục đích rõ ràng rồi từ đó mà quyết tâm đạt được mục đích ấy”.